Cụ ông 80 tuổi bị lạc và tấm lòng những chiến sỹ Công an

ANTĐ - “Lúc hỏi chuyện, cứ nhắc đến câu “Nhà cụ ở đâu ạ”, là ông cụ lại khóc nấc lên, không ai dỗ được. Đã vậy, thông tin về tên tuổi, nơi ở của chính mình, cụ lại lúc nhớ, lúc quên. Năm mới cận kề rồi, anh em Công an phường rất hiểu tâm trạng của ông cụ và thân nhân, nếu chưa tìm được nhau”, Đại úy Nguyễn Hữu Khánh – Trưởng CAP Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhớ lại thời điểm trò chuyện với cụ ông 80 tuổi bị lạc, hôm 24-12 vừa qua.

Cụ Cơ (giữa) an toàn, khỏe mạnh cùng người nhà và các chiến sỹ Công an

Khoảng 10h30 ngày 24-12, cán bộ trực ban CAP Ngô Thì Nhậm đón tiếp 1 thanh niên đưa đến 1 cụ ông chống ba toong, đi dép lê, ăn mặc tuềnh toàng, và đặc biệt, có biểu hiện lúc nhớ, lúc quên. Thanh niên tốt bụng đó là nhân viên phục vụ quán phở. Anh cho biết, phát hiện cụ ông bị vấp ngã ở vỉa hè phố Lê Văn Hưu. Sau khi đỡ cụ dậy, mời cụ dùng bát phở, hỏi chuyện nhưng cụ ông chỉ lắc đầu và khóc. 

Tại phòng tiếp công dân của CAP Ngô Thì Nhậm, tâm lý của cụ ông hầu như không mấy thay đổi. Ánh mắt thẫn thờ nhìn ra ngoài đường, ai hỏi đến câu thứ hai, nhất là đề cập đến chỗ ở, con cái, ông cụ lại khóc rất to. “Chúng tôi đoán được ngay cụ ông bị lạc. Việc cụ ông chống ba toong, đi dép ở nhà cho thấy nhiều khả năng cụ chỉ ở quanh khu vực quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, để xác định nơi ở của ông cụ không hề đơn giản, bởi cụ ông có biểu hiện tâm lý thất thường, lúc nhớ, lúc quên”, chỉ huy CAP Ngô Thì Nhậm kể.

Để giúp cụ ông về được với gia đình, đầu tiên một tổ công tác CAP chụp ảnh chân dung cụ và đến Công an các phường giáp ranh để phối hợp rà soát, tìm kiếm. Phương án đưa ảnh cụ ông lên trang mạng xã hội để tìm kiếm đã được những chiến sỹ trẻ thạo công nghệ thông tin đưa ra. Và biện pháp bền bỉ, kiên trì, đòi hỏi “nghệ thuật” nhất, là tỉ tê hỏi chuyện cụ ông bị lạc. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, những câu chuyện… trên trời dưới biển, đan xen câu hỏi khéo để khơi gợi trí nhớ của cụ ông, nhưng lại phải tránh lặp lại việc  hỏi nhiều lần để cụ ông… không khóc, đã được chỉ huy CAP Ngô Thì Nhậm trực tiếp tiến hành. Thông tin giá trị đầu tiên, cụ ông “bật” được ra mình tên là Cơ; rồi sau đó, cụ năm nay 82 tuổi (về sau, người nhà cụ ông đến, xác nhận cụ 80 tuổi). 

Sau thông tin về tên, nhưng không nhớ được họ, đệm, cụ ông “nhớ” thêm thông tin mới, có cô con gái tên là Thuận, và có 2 cháu nội. Nhưng đến phần quan trọng, “nhà cụ ở chỗ nào”, thì ông cụ lại… ôm mặt khóc. Mời cụ ông vào phòng nghỉ tập thể của cán bộ chiến sỹ cho đỡ mệt, cụ ông nhất quyết từ chối. Câu chuyện lại tiếp tục. Cứ thế, lần lượt những thông tin về nơi ở, số nhà được đưa ra, xác minh, loại trừ và chắp nối. Cuối cùng, cụ ông “chốt” được 3 chữ về nơi ở: “Trường Văn Chương”. Lập tức, 2 trinh sát hình sự được cử ra phố Khâm Thiên, vào ngõ Văn Chương để xác định thông tin này. Cầm tấm ảnh của cụ ông bị lạc trên tay, một người đàn ông trung niên bán nước gần trường Tiểu học Văn Chương xúc động: “Đây là bố vợ tôi các anh à”. Cẩn thận, trinh sát đề nghị người bán nước mời thêm người nhà, và cho xem ảnh từng chụp chung với cụ ông bị lạc. Hoàn toàn trùng khớp!

Cụ ông tên đầy đủ là Phạm Văn Cơ, 80 tuổi, trú tại ngõ Văn Chương, quận Đống Đa. Mấy ngày nay, cụ Cơ về nhà con trai ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng để điều trị chứng tai biến. Ngoài việc phải đi lại chống ba toong, cụ Cơ trí nhớ giảm sút, khi nhớ khi quên. Sáng 24-12, cụ Cơ đi bộ loanh quanh nhà con trai ở đường Nguyễn Khoái, rồi bị lạc lúc nào không hay. 14h30 ngày 24-12, sau hơn 6 tiếng đồng hồ đôn đáo các nơi để tìm bố, anh Phạm Tuấn Anh, con trai cụ Cơ, đã nhận được điện thoại của người nhà và CAP Ngô Thì Nhậm: cụ Cơ mạnh khỏe, an toàn…