Cử nhân tranh việc làm của trung cấp

ANTĐ - Một trong những ngành được coi là “hot” trong nhiều năm nay là kế toán khiến từ trường công lập đến dân lập, trường chuyên ngành hay đa ngành đều mở ngành đào tạo. Vậy nhưng tại sàn giao dịch việc làm của Hà Nội, các cử nhân lại đang phải tranh nhau vị trí tuyển dụng vốn chỉ dành cho trình độ trung cấp.

Nhiều cử nhân đang đăng ký tìm việc cả ở vị trí trung cấp (Ảnh minh họa)

2 năm tốt nghiệp ĐH vẫn đi tìm việc 

Nguyễn Phương Mai, cử nhân ĐH Hùng Vương khoa Kế toán cho biết cô tốt nghiệp được 2 năm nhưng vẫn đang đăng ký tìm việc tại phiên giao dịch của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội ngày 8-11 vừa qua. “Không phải là em không kiếm được việc làm. Doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở sản xuất đều cần kế toán nhưng công việc ở vị trí này thường không thể yêu cầu thu nhập cao bởi cạnh tranh khốc liệt. Rất nhiều trường, nhiều hệ đào tạo ngành này nên chúng em dù tốt nghiệp ĐH nhưng hưởng lương chỉ hơn công nhân một chút. Vì vậy, em vẫn phải đi tìm những vị trí tốt hơn” - Mai chia sẻ.

Qua thực tế tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm cho biết, tình trạng thừa lao động trình độ đại học thiếu lao động trình độ phổ thông hiện rất nghiêm trọng. “Cùng một vị trí công việc như nhân viên kinh doanh, kế toán, nhiều doanh nghiệp khi đến làm việc tại phiên giao dịch việc làm chỉ yêu cầu tuyển trình độ trung cấp, thế nhưng lại có hàng chục hồ sơ của các cử nhân đăng ký thì rõ ràng trung cấp sẽ không đến lượt, còn cử nhân thì cũng đành chấp nhận mức lương dành cho trình độ trung cấp” - ông Chính phân tích. 

“Quá nhiều đại học, trong khi lại quá ít đào tạo nghề. Bây giờ ai cũng lao vào đại học. Điểm cao đỗ trường lớn, điểm thấp đỗ trường vừa, thấp nữa thì vào dân lập, chưa kể lại còn liên thông, liên kết. Cuối cùng chỉ lãng phí công đào tạo vì rất nhiều vị trí, nhiều đơn vị tuyển dụng không cần đến trình độ đại học” - ông Chính khẳng định.

Chỉ “hot” với điều kiện...

Nói về tình trạng tuyển sinh năm nay, ông Nguyễn Bá Dong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng hiện vẫn chưa có con số chính thức để biết rằng ngành nào thừa, ngành nào thiếu, nhưng chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy, chỉ tính những ngành vài năm trước rất “hot” như quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính - kế toán thì nay có thể thấy đâu đâu cũng đào tạo dù không phải chuyên ngành thế mạnh của mình. Điều này chắc chắn dẫn đến tình trạng thiếu hụt đầu vào đồng thời thừa đầu ra. “Trường chúng tôi khi đưa ra chỉ tiêu đào tạo phải tính toán, phân chia sao cho cân đối các ngành nghề khi hàng năm có vài nghìn sinh viên ra trường. Không phải là cứ thấy ngành nào “hot” thì đào tạo ồ ạt. Cùng là ngành kế toán hay ngân hàng nhưng nếu tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân hay Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng thì khả năng có việc làm rất cao. Với những trường ít tên tuổi hơn thì dĩ nhiên là cơ hội không thể như nhau” - ông Dong phân tích.

Với ngành ngân hàng, số liệu mới công bố tháng 9-2012 của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) và Hay Group cho thấy, năm 2013 sẽ có 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Như vậy, dù là tốt nghiệp ngành “hot” nhưng năm tới sẽ có 12.000 sinh viên chuyên ngành tài chính-ngân hàng sẽ phải tìm công việc khác với chuyên môn của mình.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, nếu chỉ tiêu chung cho tất cả các ngành là 576.000 thì có tới 184.300 sinh viên thuộc nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng. Tuy vậy, dù chưa hết thời hạn tuyển sinh, nhưng thông tin nhiều ngành được tuyên bố đóng cửa đã xuất hiện cả với nhóm kinh tế tài chính. Việc các trường thi nhau mở ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh và luôn thu hút số lượng hồ sơ đăng ký cao gấp nhiều lần ngành khác, dẫn đến sự mất cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng thực sự với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm đối với những ngành luôn được cho là hấp dẫn nhất hiện nay.

Tuyển dụng “khát” nhân lực kỹ thuật

Bà Vũ Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường, Trung tâm giới thiệu việc làm cho biết, hiện tại nhu cầu tuyển dụng lớn rơi vào khối kỹ thuật, cơ khí. Các nhà tuyển dụng đều cần khối lượng lớn nhân lực ở lĩnh vực này với đủ mọi trình độ kỹ sư, trung cấp, nghề... Còn theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, các ngành học như đóng tàu, nông, lâm, thủy sản, bảo hiểm, cơ khí… là những ngành nghề còn “khát” nhân lực. Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của Việt Nam như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng đang đà phát triển.

Thiếu thông tin tổng thể

Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng, tình trạng nhiều trường đại học phải đóng cửa hoặc có nguy cơ đóng cửa ngành học có nguyên nhân chính từ thiếu thông tin tổng thể. Việc điều chỉnh cho phép mở ngành hay không với định hướng nguồn nhân lực là ở tầm vĩ mô và thuộc trách nhiệm của Bộ chứ các trường không thể tự điều chỉnh. Cũng chính vì thiếu định hướng nên hiện nhiều trường rơi vào tình trạng một số ngành chỉ tuyển được 10, 15 sinh viên nhưng vẫn phải duy trì dẫn đến khó khăn lớn cho các trường ngoài công lập.