Cử nhân thất nghiệp: Đổ xô học kỹ năng mềm

ANTĐ - Người thất nghiệp ngày càng nhiều đã tạo cơ hội cho một số dịch vụ làm hồ sơ xin việc, lớp học dạy kỹ năng trả lời phỏng vấn… đua nhau ra đời. Hệ quả, người thất nghiệp lại là “miếng mồi” kiếm tiền cho những kẻ khác.
Cử nhân thất nghiệp:  Đổ xô học kỹ năng mềm ảnh 1

Nhiều lao động thất nghiệp do không thể vượt qua vòng phỏng vấn

Học cấp tốc, giá sinh viên

Bằng cấp là yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ để có được việc làm. Cuối tháng 10 vừa qua, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố bản tin thị trường lao động quý II năm 2015. Theo đó, trong số hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, số người có trình độ đại học trở lên là khoảng 200 nghìn người, tăng 22 nghìn người so với quý I. Ngoại trừ nhóm trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý I, còn các nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng. Đáng lo ngại là tỷ lệ này ở thanh niên thành thị lên tới 11,84%. 

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, hầu hết các nhà quản lý và tuyển dụng đều than phiền lao động trẻ, đặc biệt là nhóm sinh viên mới ra trường quá thiếu các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện… nên không đáp ứng được yêu cầu công việc dù có bằng cấp rất tốt. Nắm bắt cơ hội, nhiều trung tâm đã mở các dịch vụ đào tạo kỹ năng xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn cho các đối tượng học sinh, sinh viên thậm chí cả người đang đi làm.

Hiện nay, chỉ cần 1 cú “click” chuột, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng loạt khóa dạy kỹ năng xin việc ở trên mạng với kinh phí từ 100-500 nghìn đồng cho 3-4 tiếng học/buổi, cả khóa chỉ có 2 buổi học. Đọc được mẩu quảng cáo “trải nghiệm thú vị, học phí sinh viên, thời gian học ngắn”, chị Vũ Hồng Hạnh (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến một trung tâm ở phố Lạc Long Quân để học viết hồ sơ xin việc và kỹ năng trả lời phỏng vấn với học phí 500 nghìn đồng/khóa.

Khóa học diễn ra 6 tiếng đồng hồ với những nội dung vô thưởng vô phạt, các mẩu chuyện khôi hài về cách tham gia phỏng vấn, cách thể hiện sự tự tin, năng lực của cá nhân… Chị Hạnh than thở, “học xong chẳng có tác dụng gì, đúng là mất tiền mua sự bực mình”.

Xóa “mù” kỹ năng từ nhận thức

Bà Vũ Thị Thanh Liễu chia sẻ, việc sinh viên ra trường trang bị thêm các kỹ năng mềm là rất cần thiết, nhưng để hình thành kỹ năng cần có thời gian và sự kiên trì thực hành trải nghiệm. Với các khóa đào tạo cấp tốc, thời gian là không đủ để hình thành nên kỹ năng. Do đó khi tham gia các lớp này, học viên cần cân nhắc và nên xác định đó chỉ là tập huấn, trải nghiệm mà không nên kỳ vọng sẽ có được ngay các kỹ năng.

Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, sinh viên cần phải loại bỏ suy nghĩ học để làm thầy hay học để làm thợ mà là học để làm việc, học và làm theo khả năng, sở thích của bản thân. Các bạn sinh viên thường nghĩ rằng chỉ cần học tốt ở trường, có điểm cao thì ra trường sẽ xin được việc, thiếu kỹ năng sau này doanh nghiệp sẽ đào tạo lại.

Nhưng thực tế, kiến thức trong nhà trường chỉ sử dụng được một phần trong quá trình làm việc. Phần còn lại, các bạn sinh viên phải tự trau dồi, rèn luyện qua các hoạt động ngoại khóa, qua các kỳ thực tập thực tế tại doanh nghiệp, qua việc đi làm cộng tác viên hoặc học thêm những khóa đào tạo nghiệp vụ bên ngoài... chứ không thể bổ sung bằng một vài buổi học kỹ năng xin việc.

Doanh nghiệp bao giờ cũng yêu cầu ở ứng viên thái độ, kỹ năng và trình độ chuyên môn. Nhà tuyển dụng có rất nhiều cách để kiểm tra thái độ của người xin việc bằng những câu hỏi phỏng vấn. Tuy nhiên, phỏng vấn tuyển dụng chỉ là bước ban đầu, nếu người xin việc vượt qua vòng phỏng vấn chỉ với những “mánh” học cấp tốc mà không có năng lực thì vẫn bị sa thải như thường. 

Tin cùng chuyên mục