Cử nhân sư phạm đều phải đào tạo lại

ANTD.VN - Ít thực tập, không được chú trọng đào tạo tâm lý học, giáo dục học, cử nhân sư phạm chưa đủ khả năng để đứng lớp trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đổi mới giáo dục được đặc biệt quan tâm và đã triển khai trong thực tế vài năm nay nhưng ở đầu tàu, khâu đào tạo giáo viên  trong các trường sư phạm lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Đa số các hiệu trưởng trường phổ thông đều khẳng định phải tự tay đào tạo lại những cử nhân, họ mới đứng được lớp.

Cử nhân sư phạm đều phải đào tạo lại  ảnh 1Sinh viên sư phạm ít được thực tập tại trường phổ thông

Yếu kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội chia sẻ: “Sinh viên sư phạm thực tập ở trường phổ thông quá ít so với yêu cầu thực tế. Ngày xưa chúng tôi đi học sư phạm thì năm thứ hai đã bắt đầu xuống trường phổ thông làm quen, năm thứ ba bắt đầu dạy thực tập 1 tháng, năm thứ tư thực tập ở trường rồi...”. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến các cử nhân sư phạm phần lớn đều được đánh giá là chưa đủ khả năng để đứng lớp ngay. 

Bà  Nguyễn Thị Hiền cho biết, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các trường đại học sư phạm nhưng hầu hết đều phải đào tạo lại từ kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho tới kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong môi trường học đường... Bà Hiền cho rằng, tăng thời gian thực tập của sinh viên sư phạm là điều phải quan tâm hàng đầu khi đổi mới đào tạo giáo viên.

"Tăng thời gian thực tập của sinh viên sư phạm là điều phải quan tâm hàng đầu khi đổi mới đào tạo giáo viên."

Bà Trần Hải Yến, Giám đốc điều hành trường THCS Alpha, Hà Nội cũng băn khoăn, giáo viên trẻ, mới ra trường khi phỏng vấn về phân biệt và làm sao để đánh giá kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh thì phần lớn đều không trả lời được. Trong khi đó, đây là mục tiêu đào tạo trong đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Thực tế, việc chỉ tập trung đào tạo kiến thức bộ môn riêng lẻ như Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý… hay kết hợp liên môn thì vẫn không đáp ứng được yêu cầu về vai trò, trách nhiệm của một giáo viên đứng lớp hiện nay. “Chúng tôi không chỉ đơn giản là một giáo viên bộ môn như trước đây được đào tạo, mà phải là một nhà giáo dục học. Ngoài dạy kiến thức còn phải biết nắm bắt tâm lý, giáo dục các em cả về thể chất, đạo đức, lối sống…” - cô Nguyễn Lan Anh, giáo viên trường THCS Nguyễn Du chia sẻ.

Yêu cầu mới với đào tạo sư phạm

Đưa ra những yêu cầu mà thực tế đòi hỏi ở mỗi nhà giáo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Là nhà giáo, chúng ta chỉ thực hiện được sứ mạng dạy làm người khi chuyển hóa được giáo dục thành tự giáo dục trẻ em, để các em phát triển một cách tích cực nhất những tiềm năng sẵn có của mình. Muốn như vậy, người thầy phải khơi dạy được sự phát triển hoàn toàn tự thân của mỗi đứa trẻ”. Công việc đó có tính khoa học và nghệ thuật, đòi hỏi nhà giáo phải giàu lòng yêu người, yêu nghề, hiểu biết về đời sống, văn hoá và có trách nhiệm đối với xã hội. Chính vì vậy, các trường sư phạm phải đào tạo ra được những thầy giáo, cô giáo có hiểu biết sâu sắc về con người, về nghề dạy học dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc về kiến thức, văn hóa, xã hội của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Bình cũng chỉ rõ: “Hiện nay, các trường sư phạm còn nặng về dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo những nhà giáo dục. So với các khoa, bộ môn khác thì ngành Tâm lý, Giáo dục học ở nhiều trường sư phạm chưa phải là thế mạnh. Trong cơ cấu đội ngũ giảng viên sư phạm, cần phải có những chuyên gia đầu ngành về Tâm lý học và Giáo dục học”. Với yêu cầu mới về đào tạo giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 

Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh sự cần thiết phải quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm để tạo ra một hệ thống trường có chất lượng với vai trò đầu tàu. Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường đại học sư phạm nhanh chóng tiếp cận các chuẩn/tiêu chuẩn về giảng viên sư phạm, giáo viên và hiệu trưởng phổ thông, khung trình độ quốc gia, nội dung chương trình sách giáo khoa mới để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục.