Cũ mới chuyện bánh mì

ANTD.VN - Dĩ nhiên với một đất nước có đến 4.000 năm lúa nước như Việt Nam thì bánh mì vĩnh viễn không phải là lương thực chính. Đã gọi là bánh mì hoặc các loại bánh làm bằng bột mì hiển nhiên đều có xuất xứ từ châu Âu, Bắc Mỹ.

Cũ mới chuyện bánh mì ảnh 1Những thúng bánh mì bán rong có trong ký ức phố phường Hà Nội 

Chiếc bánh mì đầu tiên du nhập vào Việt Nam năm 1856 do người Pháp mang bột mì và công nghệ làm bánh đến Sài Gòn. Hà Nội cũng có bánh mì sau đó ít lâu. Lúc đầu bánh được làm theo hình dáng bánh mì baguette của Pháp. Về sau để tiện giao dịch mua bán và mang đi xa, chiếc bánh mới có hình thoi ngắn như bây giờ.

Cho đến tận sau ngày tiếp quản Hà Nội 1954, bánh mì vẫn đóng vai trò như một món quà vặt trong ẩm thực phố phường. Không bao giờ nó có mặt trong bữa cơm thường cũng như cỗ bàn của dân phố. Bánh mì được sản xuất không nhiều ở các lò thủ công quanh thành phố bởi sức tiêu thụ của dân phố cũng lác đác nhỏ lẻ.

Nếu coi nó là món quà sáng thì người Hà Nội có nhiều lựa chọn đúng khẩu vị của mình hơn. Từ bánh cuốn, xôi xéo, xôi ngô cho đến bún, phở, miến, mì vằn thắn là những thứ quà sáng quen thuộc từ rất lâu đời. Người ta mua bánh mì cho những chuyến đi xa hoặc ăn thêm vào buổi tối mùa đông rét mướt thay cho bắp ngô nướng.

Bánh mì bán đầy đường đầy chợ với hình thức không thể bắt mắt hơn. Thế nhưng chất lượng bánh mì giống như thời đói khổ đã gần như tuyệt chủng. Chiếc bánh phổng phao ngoài phố bây giờ gần như chỉ có hình thù là như cũ. Bên trong rỗng tuếch và nhẹ hều.

Những năm chiến tranh là thời kỳ bánh mì được tiêu thụ nhiều nhất. Đó là đồ ăn được các phụ huynh Hà Nội mang đi tiếp tế cho con cái ở nơi sơ tán. Nó cũng đồng thời là món quà thành phố cho lũ trẻ nông thôn háo hức ở làng. Mẩu bánh mì nguội thơm mùi bột nướng không ngờ lại là món quà chúng ưa thích hơn nhiều thứ bánh kẹo khác. Lúc ấy nhiều làng quê chỉ cách Hà Nội vài chục cây số người ta vẫn chưa biết đến bánh mì.

Cuối thập kỷ 1960 dân phố được cung cấp đến một nửa lương thực bằng bột mì. Vài lò thủ công sản xuất bánh mì không thể đảm đương được khối lượng công việc khổng lồ ấy. Nhà nước cho xây dựng nhà máy bánh mì Chùa Bộc do Ba Lan giúp đỡ kĩ thuật. Dù bánh mì vẫn là lựa chọn đứng sau cơm gạo nhưng bột mì viện trợ cho dân phố quá nhiều nên tự nó đã trở thành đòi hỏi chế biến cấp thiết.

Chiếc bánh mì do nhà máy sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp hiện đại lúc ấy ra đời trước sự hoài nghi của rất nhiều người Hà Nội cũ. Quả nhiên nó kém ngon hơn rất nhiều so với bánh mì lò thủ công trước đó. Ruột bánh đặc bí rị do bị ép cân lạng theo tiêu chuẩn. Vỏ bánh màu nhợt nhạt và độ cháy giòn biến mất chỉ sau nửa giờ. Bánh trở nên dai ngoách khiến người ăn phát sợ mỗi khi nhìn thấy nó.

Cũ mới chuyện bánh mì ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Rất may không lâu sau đó người ta cũng xây dựng được dây chuyền chế biến mì sợi thay vào. Bánh mì lại trở thành món quà sáng bình dân do các lò thủ công sản xuất. 

Những năm 1970 Hà Nội không có nhiều hàng bánh mì kẹp lắm. Cả bánh lẫn nhân đều là những mặt hàng lương thực thực phẩm phân phối bằng tem phiếu. Không thể có nguồn cung cấp đều đặn với số lượng lớn. Thiếu thực phẩm cụ thể là thịt lợn nên những hàng bánh mì kẹp mở ra rất hút khách.

Hẳn hoi nó là món ăn bổ sung năng lượng cần thiết chứ không còn là quà vặt ăn chơi nữa. Hàng bánh mì kẹp của chị em cô gái kém mắt ở phố Huế đối diện rạp Đại Nam là một địa chỉ bình dân ưa thích của dân phố. Sáng nào cũng xếp hàng một dãy dài trước cửa. Món nhân đặc sắc của nó bao giờ cũng có thịt xá xíu nhiều mỡ thái mỏng bay.

Sang hơn có hàng bánh mì trứng ốp la bên phố Mai Hắc Đế, chỗ có ngôi nhà chiếm toàn bộ vỉa hè. Đó là một hàng ăn sáng kiêm uống cà phê uy tín lâu đời của dân phố cũ. Trên phố Lò Sũ có quán bánh mì Bà Dần cũng nổi tiếng không kém. Quán này có thêm món sốt vang nấu rất vừa miệng cư dân phố cổ. Chỉ tiếc địa điểm quá chật chội nên ngồi ăn tương đối vất vả.

Thoắt đi vài mươi năm, giờ thì công nghệ cũng như số lượng các lò bánh tư nhân nở rộ hơn bao giờ hết. Bột mì nhập khẩu nhiều loại tha hồ chọn. Lò điện lò gas đủ kích cỡ chủng loại chẳng thiếu thứ gì. Bánh mì bán đầy đường đầy chợ với hình thức không thể bắt mắt hơn. Giá cả cũng bình dân hơn bao giờ hết. Chỉ 5 nghìn đồng là có thể mua được ba chiếc bánh mì chuột ở cửa hàng thừa đủ cho một bữa sáng no nê.

Thế nhưng chất lượng bánh mì giống như thời đói khổ đã gần như tuyệt chủng. Chiếc bánh phổng phao ngoài phố bây giờ gần như chỉ có hình thù là như cũ. Bên trong rỗng tuếch và nhẹ hều. Nếu như nghịch dại mà bơm khí thổi bóng bay vào rất có thể nó sẽ bay như bóng. Ruột bánh này mà kẹp nhân nóng chỉ vài phút là xẹp lép không còn ra hình thù gì nữa.

Đúng vào lúc những đồ ăn với bánh mì phong phú nhất. Từ patê, xúc xích, dăm bông, pho mát cho đến trứng và thịt bò tha hồ chế biến. Nhà hàng có mà siêu thị cũng chẳng thiếu gì. Chắc chắn vài người làm bánh thủ công với triết lý lợi nhuận đầy gian dối sẽ dần phá sản. Dân phố sẽ lại tìm được món bánh mì yêu thích của mình.

Tin đọc nhiều