“Cụ đồ” ở ẩn chân quê

ANTĐ - Ở tuổi 85, nhà nghiên cứu Hồ Nam lại “trở chứng” quay ra viết tiểu thuyết, viết cả chục tập tài liệu dạy chữ Hán. Chẳng thế mà nhà văn Sơn Tùng nhận cụ là anh kết nghĩa cho thoả cái tình Nho học và tình văn chương, thơ phú.

Nhà nghiên cứu Hồ Nam lúc nào cũng miệt mài bên sách vở

“Cứ gọi tôi là lão nông”

Trong một lần tiếp chuyện chúng tôi trên căn gác nhỏ tại ngõ Văn Chương - Hà Nội, lục trong tủ gỗ những cuốn sách cũ kỹ và cả những tấm ảnh của bạn bè văn chương mà nay nhiều vị đã thành người thiên cổ, nhà văn Sơn Tùng khẽ rút ra một tập sách Nho, phía trên có đề Hồ Nam bút, thì ra đó là sách do cụ Hồ Nam viết. Nhà văn Sơn Tùng bảo, bạn bè giờ còn ít, người viết văn lại càng ít, may còn anh Hồ Nam là chí cốt thân tình, đã già mà viết khỏe có khi vào hàng “vô địch bút”.

Và rồi, chúng tôi có dịp gặp nhà nghiên cứu Hồ Nam tại một vùng quê yên ả đất chiêm trũng Hà Nam khi cụ đang tập trung sức lực dịch một số thần phả. Đã 85 tuổi nhưng trông Hồ Nam còn khoẻ lắm! Quắc thước, nhanh nhẹn, tinh tường và mẫn tiệp không kém gì thời còn hoạt động văn hoá trong tập ảnh nhà văn Sơn Tùng còn lưu giữ.

Thực ra, nếu để có chức danh gắn với cái tên Hồ Nam thì rất khó. Cái tên Hồ Nam đứng độc lập thì chính xác nhất bởi cụ làm lắm việc quá. Viết văn, làm thơ, bốc thuốc, viết thư pháp, nghiên cứu chữ Hán, văn chương… nên có lẽ gọi Hồ Nam là nhà nghiên cứu thì đúng hơn cả. Chính cách gọi này đã từng khiến Hồ Nam ngần ngại, thậm chí phản đối. Cụ bảo: “Cứ gọi tôi là lão nông là chính xác nhất”.


Gừng càng già càng cay

Năm 2008, cụ Hồ Nam cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết dài gần 500 trang có tiêu đề “Nhớ Đời”. Vốn làm nghề dạy học nên văn Hồ Nam mang hơi hướng mô phạm, trong truyện thấy rõ chất “thông nho tuệ nhãn”. Nhưng đọc kỹ, ngẫm vào đời thực thấy đó là bi kịch, tuy có hậu nhưng dù sao cũng là nỗi đau nhớ đời - Nhà văn Sơn Tùng nhận xét.

Trước đó không lâu, Hồ Nam cho xuất bản cuốn “Ngó Sen” với hơn 4 nghìn câu thơ viết về Bác Hồ. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng,

“Ngó Sen” còn nhiều vụn vặt… Đem điều ấy nói trong câu chuyện, Hồ Nam chỉ cười, cụ cho rằng việc phê bình là việc của các nhà phê bình, còn mình là nghiên cứu và viết. Cứ cố gắng viết bằng cả cái Tâm cái Trí thì thế nào cũng có ngày thành chính quả.

Một nhà nghiên cứu Hán học mà “trở chứng” quay ra viết sách, viết truyện kể ra cũng không có gì đáng bàn. Nhưng cái đáng chú ý và ngẫm nghĩ là ở tính mô phạm sâu sắc, nhân văn và tường minh bậc nhất trong mỗi câu văn. Xem cuốn “Bàn về Thơ” (bàn về thể - cách - niêm - luật của thơ) mới thấy hết cái tài tình và sâu sắc của một nhà nghiên cứu.

Đáng bàn hơn cả, đây là cuốn sách rất “khác lạ”, nghĩa là gần như toàn bộ dẫn chứng là thơ do Hồ Nam sáng tác để minh chứng và bàn về các thể - cách mà nhiều người (thậm chí có cả nhà thơ) hay nhầm lẫn. Không những chỉ bàn về thơ mà tính giáo dục và dí dỏm, hài hước cũng đáng để nhớ đời: Làm thầy chỉ muốn dạy trò khôn/ Ấy thế mà trò nỡ phụ ơn/ Lúc lạ nhìn thầy dương mắt ếch/ Khi quen đưa bạn lộn đầu tôm/ Nuôi mèo cho lớn mèo cào mặt /Dạy chó nên khôn chó liếm mồm… (Học trò xấu).

Những người bạn đồng chí hướng và tài năng như Nhà hán học Lê Xuân Hoà, Nhà sử học Trần Quốc Vượng… luôn là những tri kỷ để Hồ Nam tâm tình, là chỗ dựa tinh thần để việc nghiên cứu Hán văn được thuận lợi và cũng là chỗ để tu tỉnh sau những “cú”… nhớ đời! Năm 1993, sau 3 năm miệt mài nghiên cứu và ra sức khảo nghiệm các cách viết chữ Hán tiến bộ, Hồ Nam đã hoàn thành tập bản thảo “Phương pháp học chữ Hán” với 25 tập, gồm trên 2 nghìn trang sách khổ lớn. Nhưng vì nghèo nên 10 năm sau, tức là năm 2003 cuốn sách mới được xuất bản rộng rãi và trở thành sách dạy viết chữ Hán công phu bậc nhất ở nước ta.

Sinh vào cung... sao ẩn

Trong một lần, GS Trần Quốc Vượng có về Thanh Liêm - Hà Nam để dịch thần phả Lý Thường Kiệt với 4 chữ: Tứ - Đắc - Phụng - Sự. Tại đây, cuộc tranh luận nảy lửa giữa Hồ Nam và Trần Quốc Vượng đã xảy ra chỉ bởi việc “dịch” và “thuật”. Cụ Vượng cho rằng, 4 chữ ấy nghĩa là: “Cho phép nhân dân được thờ cúng”. Còn cụ Hồ Nam nhất quyết: “Lý Thường Kiệt được phép hưởng việc dân thờ cúng”. Việc phân định thắng - thua không ai nhắc tới nhưng nghĩa mà cụ Hồ Nam dịch được nhiều người tán thưởng và cũng hợp với tiến trình lịch sử.

Hồ Nam hay than thở: “Quỹ thời gian của tôi còn ít lắm nên tôi phải gắng sức viết hết những gì mình nghiên cứu được cho đời sau đỡ vất vả. Tôi sinh vào cung sao ẩn nên không thể nổi danh như bạn bè. Thôi thì, mình ẩn chân ruộng cũng có cái hay”.

Hồ Nam cho biết, cuốn sách về tướng Lê Chân (Tổng trưởng binh quyền của Hai Bà Trưng) và nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (Tác giả vẽ mẫu Quốc kỳ) đang được ông gấp rút hoàn thành. Đây sẽ là những tư liệu vô cùng quý báu về cuộc đời, thân phận và tài năng của 2 anh hùng ở 2 thời đại.