"Cú đấm" mạnh vào uy tín nước Mỹ

ANTĐ - Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ bước sang tuần thứ hai ngừng hoạt động, còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ đe dọa sẵn sàng để nước nước này vỡ nợ và Nhà Trắng sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó, nhiều chủ nợ của Mỹ, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đã không còn giữ được sự bình tĩnh vì lo ngại về các khoản đầu tư khổng lồ của hai nước này vào thị trường trái phiếu của Mỹ. 

Tổng thống Barrack Obama thừa nhận Nhà Trắng và Bộ Tài chính đang chuẩn bị cho tất cả tình huống bất ngờ nếu Quốc hội không thể nâng trần nợ kịp thời.  Trường hợp xấu nhất nước Mỹ có thể sẽ phải lần đầu tiên trong lịch sử bị phá sản, và sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính còn tồi tệ hơn năm 2008.

Theo CNN, giới đầu tư kỳ vọng Bộ Tài chính sẽ làm tất cả những gì có thể để ưu tiên thanh toán cho các trái chủ, nhằm trấn an thị trường. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm thị trường sẽ lạc quan nếu các nhà đầu tư vẫn được thanh toán, còn các lĩnh vực khác của nền kinh tế thì đình trệ. Tổng thống Obama cũng không thể viện dẫn Tu chính án (điều Luật sửa đổi) thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ để chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục vay tiền để chi trả, kể cả khi Quốc hội không ủy quyền nâng trần nợ. Bởi điều này vẫn khiến nhà đầu tư hoang mang và lo lắng tựa như việc người mua nhà phải cân nhắc liệu người bán có thực sự là chủ nhân căn nhà hay không. “Anh sẽ lo lắng khi mua nó. Tối thiểu thì anh cũng muốn mua với giá rẻ hơn” - Tổng thống Mỹ phân tích.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết các biện pháp phi thường để giúp Mỹ chưa vỡ nợ sẽ hết tác dụng trước ngày 17-10. Khi ấy, cơ quan này sẽ chỉ còn 30 tỷ USD, cộng thêm doanh thu thuế. Trong khi đó, những khoản mà họ phải chi ra có thể lên tới 60 tỷ USD. Bộ Tài chính sau đó có thể hết sạch tiền vào khoảng từ ngày 22-10 đến 1-11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội và Trung tâm Chính sách lưỡng đảng.

Theo liệt kê của trang mạng howstuffwork thì có 10 “chủ nợ” lớn nhất trong tổng số 11.560 tỷ USD nợ công của nước Mỹ. Trong đó, công dân Mỹ và các chính quyền địa phương chính là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ, với 4.140 tỷ USD và chiếm 36% tổng số nợ công. Tiếp đó, Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của chính phủ Mỹ, với 1.260 tỷ USD và chiếm 11% tổng số nợ công; Nhật Bản: Xứ sở hoa anh đào là chủ nợ lớn thứ 3, với 1.120 tỷ USD và chiếm 9,6% tổng số nợ công của nước Mỹ. Ngoài ra còn các chủ nợ lớn của Mỹ là Brazil với 253,4 tỷ USD; Vùng lãnh thổ Đài Loan với 196,6 tỷ USD; Thụy Sĩ với 192,7 tỷ USD; Liên bang Nga với 162,9 tỷ USD; Luxembourg với 144,7 tỷ USD; Bỉ với 143,5 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) với 142,9 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế thế giới đã dự đoán với Đài Tiếng nói nước Nga trong trường hợp Hoa Kỳ không thể phục vụ tài chính hai chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản rằng Bắc Kinh sẽ không bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ vì chính nền kinh tế của Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả do hiện nay nền kinh tế của xứ này lệ thuộc vào đồng USD vì xuất khẩu vào thị trường Mỹ quá nhiều, cùng lo ngại các khoản đầu tư nước ngoài bị rút đột ngột khỏi Trung Quốc. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và bất kỳ tác động nào đối với giá đô la Mỹ cũng đều phương hại tới sức cạnh tranh mậu dịch của họ. 

Nếu tình huống xấu xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn - không phải chỉ Trung Quốc mà ảnh hưởng tới kinh tế của cả thế giới, bởi vì đồng USD là một chỉ tệ toàn cầu. Trong diễn biến khác, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Christine Lagarde cho rằng rủi ro tại Mỹ sẽ “đe dọa nghiêm trọng” kinh tế toàn cầu nếu các nhà làm luật nước này không nâng trần nợ trong vài tuần tới. Khủng hoảng nợ của Mỹ có thể coi là “cú đấm” mạnh vào uy tín của nước Mỹ, vốn từng được coi là một thế lực ổn định và đầy trách nhiệm trong kinh tế toàn cầu. Qua cuộc tranh luận về mức trần nợ công, thế giới nhìn thấy chính trường Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về chính sách, xếp hạng tín dụng của Mỹ vì thế đứng trước nguy cơ sụt giảm.