Cứ chi ngân sách vượt dự toán lại xin "du di", không thể chấp nhận mãi được

ANTĐ -Năm 2014, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.130.609 tỷ đồng, tăng 12,1% so với 2013 nhưng chi cân đối NSNN lên đến 1.350.272 tỷ đồng, vượt 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán ngân sách được Quốc hội giao.

Sáng nay, 15-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014. Theo báo cáo, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu đối với niên độ NSNN năm 2014 là 8.565,6 tỷ đồng; giảm chi 5.562 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 2.238,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 3.363,3 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 134,1 tỷ đồng…

Thẩm tra về báo cáo này của Chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, công tác quản lý thu NSNN năm 2014 mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn khiêm tốn nên thất thu ngân sách còn nhiều; tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán.

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết, về quyết toán chi ngân sách năm 2014, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa phù hợp nên khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra; tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều.

Riêng về chi trả nợ và viện trợ, năm 2014, Chính phủ dự toán 120.000 tỷ đồng, quyết toán 131.940 tỷ đồng, tăng 11.940 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng chủ yếu do ngân sách địa phương trả nợ khoản huy động vốn trong nước 12.392 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trả nợ 118.750 tỷ đồng…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm không chấp nhận "du di" trong thu- chi ngân sách nhà nước

Thảo luận về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý bày tỏ thêm một nỗi băn khoăn khác là: “Tại sao tài chính của chúng ta trong 3 năm gần đây đều lặp đi lặp lại tình trạng tháng 5, 6 nói có khả năng không thu đủ ngân sách, nhưng đến khi Quốc hội họp vào tháng 10, 11 thì báo cáo thu ngân sách nhà nước lại vượt dự toán, dù giá dầu thô những tháng cuối năm thậm chí còn giảm”.

Theo ông Phan Trung Lý, dù Luật ngân sách đã quy định rõ nhưng thực tế tình trạng chuyển nguồn còn lớn, nợ đọng nhiều.

“Tôi cho rằng đó là không minh bạch. Tôi đề nghị trong quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm cần nghiêm túc và tha thiết yêu cầu phải thực hiện đúng hiến pháp, không chấp nhận “du di”” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.952 tỷ đồng, trong đó có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Dự toán đã có nhưng vượt dự toán, nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, cần nhìn cả quá trình. Nếu trước đây giải ngân chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy giải ngân ODA lên khá cao. Việc đề nghị cho vào quyết toán 2014 cũng là một bước minh bạch hoá”..

Tuy nhiên, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khoản tăng bội chi hơn 36.000 tỷ đồng là khoản chưa có dự toán chi do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận đưa vào quyết toán 2014. Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước xung vào năm 2014 hay 2015, 2016 là quyền Quốc hội, phải thực hiện nghiêm.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng “từ hồi nào tới giờ nói rất nhiều nhưng đều cho qua, lần này cần chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp thu để Uỷ ban Tài chính – Ngân sách có thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định.