Cứ 10 giây lại có 1 người chết do uống rượu

ANTĐ - Trong báo cáo về “Tiêu thụ rượu và các tác hại liên quan đến rượu” khảo sát ở 194 nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do WHO thực hiện cho thấy, khoảng 3,3 triệu người chết, chiếm 5,9% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu - tức 10 giây lại có 1 người chết - là do uống rượu.

Mỗi người tiêu thụ hết 6,2 lít rượu/năm

Báo cáo cho biết, tiêu thụ chất cồn làm tăng nguy cơ phát triển hơn 200 loại bệnh và các thương tích. Lần đầu tiên, WHO cho hay việc sử dụng chất cồn có hại khiến người ta dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, viêm phổi.

Báo cáo lưu ý trung bình mỗi người từ 15 tuổi trở lên uống 6,2 lít bia rượu mỗi năm, nhưng vì ít hơn 1/2 dân số thế giới - 38,3% uống chất có cồn, cho nên những người có uống tiêu thụ trung bình 17 lít cồn nguyên chất mỗi năm. Trong đó có khoảng 16% nghiện rượu nặng.

Ông Shekhar Saxena, Giám đốc phụ trách sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện của WHO, nói rằng tổ chức này lo ngại về tình trạng uống rượu bia của thiếu niên trong độ tuổi từ 15 và 19, và đặc biệt là hiện tượng “nốc bia rượu”. Theo số liệu thống kê của WHO, châu Âu là khu vực có mức tiêu thụ rượu bia cao nhất, đặc biệt là ở những vùng Trung và Ðông Âu, kế tiếp là châu Mỹ và Châu Phi. 

Top 10 các quốc gia “say xỉn” nhất thế giới 

Bồ Đào Nha: 12,9 lít/người/năm. Một vài loại rượu vang của Bồ Đào Nha nằm trong những loại rượu vang ngon nhất thế giới, đặc biệt là loại vang ngọt porto. Có lẽ đây chính là lý do khiến mỗi người Bồ Đào Nha uống tới 12,9 lít rượu 1 năm.

Cộng hòa Séc: 13 lít/người/năm. Tỷ lệ dân số nghiện rượu và không uống rượu là ngang nhau (2,6%). Theo văn hóa Séc phần lớn người dân Séc coi uống rượu là hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng hay quá chén. Trung bình trong 30 ngày, 38,9% người dân Séc lại có một cuộc chè chén say sưa và đàn ông chiếm hơn một nửa trong tỷ lệ này. 

Slovakia: 13 lít/người/năm. 16,3% người dân  Slovakia không đụng tới một giọt rượu nào trong đời. Trong khi đó, 5,5% dân số mắc căn bệnh nghiện rượu và 28,6% thường xuyên chè chén. Slovakia còn là một trong những quốc gia sản xuất nhiều loại rượu hoa quả nhất thế giới từ quả lê, mận, táo, anh đào và mơ. 

Hungary: 13,3 lít/người/năm. Cứ trong vòng 30 ngày, 1/4 người dân Hungary lại tham gia chè chén say sưa. Trong đó, tỷ lệ nghiện rượu lên tới 9,4%. 

Andorra: 13,8 lít/người/năm. Trung bình mỗi ngày, một người dân Andorra tiêu thụ hết 42,1 gram rượu. 

Ukraine: 13,9 lít/người/năm. Ukraine là một trong những quốc gia bán bia và rượu rẻ nhất trên thế giới. Chỉ với 4,5 USD, đã có thể mua được một chai rượu hạng trung, 67 cent cho một nửa lít bia. Tỷ lệ người nghiện rượu tại Ukraine là 2,2% và 22,6% người dân thích “không say không về”.  

Nga: 15,1 lít/người/năm. 19,1% người dân Nga thích uống rượu và 9,3% mắc bệnh nghiện rượu. Những người nghiện rượu tiêu thụ 48,3 gram rượu mỗi ngày. 

Lithuania: 15,4 lít/người/năm. Số người kiêng uống rượu suốt đời tại Lithuania chiếm tới 16,8%, nhưng những người thích uống rượu lại tiêu thụ hết 51 gram/ngày. Nồng độ rượu trong máu của tài xế xe thường cao ở mức 0,04%. Đây chính là nguyên nhân gây ra gần 50% số vụ tai nạn giao thông tại Lithuania. 

Moldova: 16,8 lít/người/năm. Cứ trung bình trong vòng 30 ngày, gần 1/2 nam giới Moldova lại thường xuyên quá chén. 3,3% dân số Moldova nghiện rượu, nhiều người uống hết 55,1 gram rượu/ngày để sống cho qua ngày.

Belarus: 17,5 lít/người/năm. 7% người dân Belarus với hơn 20% là nam giới mắc bệnh nghiện rượu, và gần 50% nam giới nước này thừa nhận họ thường xuyên chè chén. Hơn 50% số vụ tai nạn giao thông tại Belaras có nguyên nhân từ rượu.

Hiện, WHO đang kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân khỏi những tác hại của lạm dụng bia rượu. Những biện pháp này bao gồm: tăng thuế đánh vào rượu bia, nâng giới hạn độ tuổi uống, và quản lý thị hoạt động tiếp thị thức uống chứa cồn.