CPTPP: Doanh nghiệp Việt Nam “được nghe nói nhiều, nhưng biết không sâu”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau 2 năm gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn “lơ mơ” về Hiệp định. Do vậy mà khả năng tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao như kỳ vọng.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều cơ hội từ CPTPP

Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều cơ hội từ CPTPP

Sáng nay (7/4), Chương trình Aus4Reform- Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho hay, sau khi khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp với câu hỏi “Doanh nghiệp biết gì về CPTPP”, tỷ lệ trả lời cho thấy “CPTPP- được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu”!

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi có “nghe nói hoặc biết qua” 69,16%; chỉ có 19,81% doanh nghiệp được hỏi “biết khá rõ” và 4,81% doanh nghiệp “biết rõ”. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn toàn không biết gì về hiệp định này là 5,84%.

Việc nhiều doanh nghiệp còn “lơ mơ” về FTA tiến bộ này dẫn đến tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp (75,27%) doanh nghiệp không biết có lợi ích gì từ CPTPP để tận dụng. Nhiều doanh nghiệp khác gặp cản trở khi muốn tận dụng cơ hội vì không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, chất lượng…

Đáng chú ý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biết về CPTPP nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp phản hồi cho rằng CPTPP có tác động tích cực đến thị trường, đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nhưng “không quá tốt”.

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14/01/2019, tính tới nay đã hơn 2 năm. Tuy vậy, do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng theo cách chưa từng có tiền lệ dưới tác động của đại dịch Covid-19 nên các kết quả thực thi CPTPP từ khi có hiệu lực đến nay hầu như chỉ có thể được phản ánh tương đối xác thực thông qua các dữ liệu thống kê của năm 2019.

Theo báo cáo của VCCI, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%.

Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

“Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile)”- báo cáo nêu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.

Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác.

Đây là chỉ dấu rất đáng lo ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.