CPI không phải là yếu tố duy nhất quyết định thu hút đầu tư

ANTĐ - Chỉ số PCI là chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận các điều kiện đầu tư của địa phương, do đó chỉ số này không quyết định dòng đầu tư vào địa phương nào. 

- Theo đánh giá của ông, những nguyên nhân nào khiến vị trí trên bảng xếp hạng của Hà Nội bị sụt giảm mạnh?

- TS Nguyễn Minh Phong: Trước hết cần phải khẳng định về mặt khoa học cũng như chất lượng cách đánh giá PCI về cơ bản đã được khẳng định mấy năm nay. Đó là một sản phẩm của quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc và được thừa nhận bởi giới khoa học. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó cách đánh giá này cũng có những vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp được lấy ý kiến không phải là lớn, mỗi tỉnh thành chỉ lấy ý kiến của khoảng 150 doanh nghiệp. Như vậy, nếu tính bình quân cho các địa phương thì có địa phương sẽ bị thiệt, ví dụ như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (địa bàn chiếm 10-20% tổng số doanh nghiệp của cả nước) vẫn có số lượng mẫu bằng nhau do đó tính đại diện sẽ kém. 

Một điểm nữa là số lượng mẫu đã ít nhưng phản hồi của các doanh nghiệp được lấy ý kiến còn ít hơn, có những khảo sát chỉ có khoảng 20% - 30% doanh nghiệp phản hồi. Nếu dùng cùng 1 hệ tiêu chí cho tất cả các tỉnh sẽ không công bằng bởi một số tỉnh sẽ bị “điểm liệt” về một số chỉ tiêu. Ví dụ về đất đai, thì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ khó cạnh tranh được với những tỉnh khác. 

- Có những tỉnh năm trước xếp hạng cao nhưng năm sau lại tụt rất sâu hoặc ngược lại, có thể lý giải gì về điều này?

- Kết quả của năm nay theo một xu hướng chung được thẩm định qua mấy năm là rất ít tỉnh nào có thể giữ mãi được vị trí và có một số địa bàn ở miền núi, vùng nông nghiệp có điểm số cao hơn so với những đô thị lớn. Ngoài ra, một xu hướng nữa cũng được thể hiện là “sốc thứ tự”, ví dụ như không phải từ 30 lên 31 hay 35 mà có thể vọt lên hàng chục bậc. 

Những xu hướng này không khó giải thích, bởi trước hết là các tỉnh đã có sự tranh đua được tạo ra bởi phản ánh của doanh nghiệp nên sẽ tạo ra sự khác biệt nhất định. Hơn nữa, sự ganh đua này ở các địa phương sẽ mạnh hơn so với các đô thị lớn. Ở những địa phương có ít doanh nghiệp và muốn thu hút nhiều hơn có thể có những động thái mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại được đón chào nhiều nhất nên họ sẽ có phản ứng tốt hơn cũng là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nào sử dụng nhiều đất cũng sẽ đánh giá cao những địa bàn địa phương so với các đô thị lớn. Các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì đất đai thuộc dạng “điểm liệt” nên bao giờ cũng bị đánh giá kém đi. 

Trong năm 2012, các doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp ở đô thị gặp khó khăn nhiều hơn, còn ở các địa phương do có thị trường ổn định hơn nên các doanh nghiệp gặp phải ít khó khăn hơn do đó không phải vô cớ mà các doanh nghiệp ở địa phương đánh giá cho các địa phương này tốt hơn so với đánh giá của doanh nghiệp ở đô thị lớn.

Với đặc điểm ở đô thị nên các chi phí trung gian, sự chậm trễ, độ năng động của các đô thị cũng sẽ kém hơn bởi trong một tổng thể lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều mà bộ máy tương tự nhau thì các doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi nhiều hơn. Ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp địa phương cũng sẽ được phản hồi nhanh hơn, kỹ hơn so với các doanh nghiệp ở đô thị lớn bởi số lượng doanh nghiệp ở đây ít hơn. 

Ngoài ra bản thân Hà Nội cũng có lỗi một phần trong việc thông tin tới tổ chức đánh giá xếp hạng, ví dụ như có “điểm liệt” về đất đai thì cần phải thông tin cho tổ chức đánh giá biết trong chiến lược phát triển, thu hút doanh nghiệp của mình là không ưu đãi thu hút những doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều đất mà chỉ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng đúng chiến lược phát triển. 

- Theo ông, chỉ số PCI có phải là yếu tố duy nhất để các doanh nghiệp đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hay không? 

- Chỉ số PCI là chỉ số đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận các điều kiện đầu tư của địa phương, do đó chỉ số này không quyết định dòng đầu tư vào địa phương nào. Bởi những nhà đầu tư có quan điểm, cách nhìn khác nhau nên không đồng nhất với quan điểm của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát. 

Ngoài ra một số địa phương có lợi thế rất lớn, vượt qua cả các yếu tố thành phần của chỉ số PCI như về mặt thị trường, thông tin… Bằng chứng cho thấy là Hà Nội vẫn đứng trong top dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như số lượng các doanh nghiệp đầu tư. Như vậy, các địa phương đứng đầu về chỉ số PCI cũng không phải là nơi có khả năng thu hút mạnh nhất, chỉ số này chỉ là đánh giá về môi trường đầu tư ở góc độ chủ quan, trong khi góc độ khách quan sẽ được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Ví dụ một doanh nghiệp khi lựa chọn địa điểm đầu tư không thể lựa chọn một địa phương có chỉ số PCI cao nhưng ở miền núi để đặt trụ sở lớn nếu họ cảm thấy ở Hà Nội có cơ sở để phát triển hơn.