CPI cả nước tăng thấp: Áp lực lạm phát chưa giảm

ANTĐ - Đúng như dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2012 cả nước tăng rất thấp, chỉ thêm 0,16% so với tháng trước. Song con số “chốt” lại CPI quý I-2012 chưa nói lên được nhiều về lạm phát cả năm.

CPI cả nước tăng thấp: Áp lực lạm phát chưa giảm ảnh 1
Cần thận trọng trong điều hành giá cả. (Ảnh minh họa)

“Ẩn số” giá khi xăng dầu và điện tăng

Đây là 2 mặt hàng tác động rất lớn đến giá cả tiêu dùng, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Trong tháng 3, giá xăng đột ngột tăng thêm 2.100 đồng/lít khiến giá nhiều mặt hàng lập tức tăng theo. Nhưng do thời điểm “chốt” lại CPI của tháng nên tác động của mặt hàng này chỉ được tính trong khoảng 1 tuần, phần còn lại sẽ được tính vào CPI tháng 4. 

Liên quan đến đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, nhiều hàng hóa, dịch vụ như: vận tải, một số loại thực phẩm tiêu dùng thiết yếu tăng giá. Tuy nhiên, do tác động của các yếu tố khách quan: dịch bệnh trên gia cầm, phát hiện hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi lợn, giá lương thực giảm… đã “điều tiết” lại mức độ tăng giá của các nhóm hàng vốn “nhạy cảm” với biến động này, bởi sức mua của người tiêu dùng giảm sút. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã hạ nhiệt, giảm 0,83% so với tháng 2. Trong đó nhóm thực phẩm giảm mạnh nhất là 1,25%. Đây là một trong 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Bưu chính viễn thông có mức giảm 0,02% so với cùng kỳ. Trong số 11 nhóm hàng tính chỉ số giá, nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng mạnh nhất, 2,31%. Tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 1,11% và nhóm giao thông có mức tăng 1,08%. Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ dưới 1%.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, CPI tháng 3 tăng thấp là hoàn toàn hợp lý. Nhìn vào con số thống kê, có thể thấy CPI tăng do tác động của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm giao thông. Tuy nhiên, 2 nhóm hàng này chỉ chiếm tương ứng 10% và 8,87% trong rổ hàng hóa tính CPI. Nhóm có tỷ trọng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm 39,9% tổng CPI) lại giảm giá. Do đó, CPI cả tháng bị kéo xuống. 

Với giá điện, tác động tăng giá còn đang chờ đợi trong tháng 4 vì theo quy định của Chính phủ, ngành điện chỉ được điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng/lần. Lần điều chỉnh giá gần đây nhất là 20-12-2011 nên không loại trừ khả năng, giá điện sẽ tăng trong tháng 4 tới. Các chuyên gia kinh tế cho hay, nếu như mọi năm, nhìn vào CPI tháng 3 có thể dự báo xu hướng cả năm thì năm nay, các dự báo phải chờ vào diễn biến giá cả tháng sau.

Chưa vội lạc quan

Một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến giá cả qua 3 tháng đầu năm nay. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, nếu như trước đây, mục tiêu lạm phát dưới 10% trong năm 2012 khá khả thi thì hiện tại, các dự đoán không còn quá lạc quan như trước. Chuyên gia này còn nhắc đến cả tác động nếu lương cơ bản tăng từ tháng 5-2012. Tuy nhiên, theo ông, CPI cả năm dưới 10% vẫn là xu thế chính. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo không nên thấy CPI có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà chủ quan cho phép tăng giá thêm một số mặt hàng. 

Bên cạnh đó, dấu hiệu đình trệ sản xuất cũng làm dấy lên nhiều mối lo. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu, gas… đã tăng liên tục trong khi thu nhập của người dân không tăng khiến xu hướng tiêu dùng chỉ tập trung vào những nhu cầu thiết yếu: ăn, mặc, ở. Tại Hà Nội, Cục thống kê thành phố cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ quý I-2012 tăng không cao. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng 2,8% so cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tỷ lệ tăng rất thấp trong nhiều năm qua (loại trừ yếu tố giá, năm 2009 tăng 4,1%, năm 2010 tăng 15,5%, năm 2011 tăng 11,9%). Tỷ lệ hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Điều này lại tác động trở lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Theo các chuyên gia kinh tế, công tác điều hành giá cả cần thận trọng từng bước để tránh những cú sốc cho nền kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Nhập siêu tháng 3 ở mức thấp
Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu của tháng 3-2012 ước đạt 9,15 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu khoảng 9,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước. Nhập siêu ở mức 150 triệu USD. Đây là mức nhập siêu tương đối thấp. Khoảng cách giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu không nhiều. 

Cũng theo cơ quan này, nhập siêu trong quý I-2012 ước đạt 251 triệu USD. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: thủy sản tăng 11,7%; dầu thô tăng 9,1% do giá tăng khá cao; gỗ và sản phẩm tăng 18,3%; giày dép 14% và dệt may 15,4%… Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu giảm gần 20%; ô tô, xe máy cũng giảm mạnh, lần lượt là 32,4% và 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải đều giảm mạnh, thể hiện một phần tình trạng giảm sút đơn hàng của các doanh nghiệp.