Covid-19 có thể làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo nghiên cứu, SARS-COV-2 có thể gây ra nhiều thay đổi đồng thời trong quá trình chuyển hóa glucose, làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới.

Những biến chứng nghiêm trọng hơn

Với bệnh nhân Covid-19, tiểu đường là một yếu tố nền nguy cơ cao khiến bệnh nhân có thể tử vong. Các dữ liệu đưa ra từ một số nghiên cứu tại Trung Quốc thấy rằng, tiểu đường là bệnh lý đi kèm xuất hiện ở 22% các ca tử vong. Một số các nghiên cứu khác cũng công bố, trong số các bệnh nhân nặng thì 12- 16,2% số bệnh nhân đó mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân tiểu đường có nhiều biến chứng nặng khi bị Covid-19

Bệnh nhân tiểu đường có nhiều biến chứng nặng khi bị Covid-19

Số lượng bệnh lý đi kèm cũng là một yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong trong Covid- 19. Ngoài bệnh tiểu đường, các bệnh đi kèm phổ biến là tăng huyết áp (khoảng 20% số ca), bệnh lý mạch vành (16% số ca) và bệnh lý phổi (chiếm 6% số ca).

Đáng chú ý, tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ cao gây tử vong trong các bệnh lý nhiễm trùng như SARS, MERS trước đây cũng như đại dịch cúm H1N1 nghiêm trọng vào năm 2009.

Viện Y tế Quốc gia Ý đã tiến hành khảo sát 18% trên tổng số hơn 3.000 ca tử vong tại Ý do Covid-19. Trong đó có 35% là người bệnh tiểu đường. Con số này cao thứ 2, chỉ sau tăng huyết áp.

Các nghiên cứu cho thấy người bệnh tiểu đường, đường huyết tăng cao kéo dài gây ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus. Chưa kể đến các bệnh cơ hội như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch vành thường đi kèm với rối loạn chuyển hóa đường (glucose) làm cho hệ miễn dịch vốn đã suy yếu nay càng suy yếu thêm. Khi đó virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập và nhanh chóng tấn công xuống phổi, gây viêm phổi.

Theo các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Ý, hai trong số những tác động nghiêm trọng của SARS-CoV-2 với người bệnh tiểu đường đã được phát hiện. Thứ nhất là rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch làm tăng nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và mất khả năng kiểm soát sự lây lan của virus. Và thứ hai là tổn thương tim cấp tính như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp tính, rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ tử vong.

Khỏi Covid-19, vẫn có thể mắc bệnh tiểu đường

Mới đây, một nhóm nghiên cứu quốc tế còn cảnh báo có nhiều bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể làm khởi phát bệnh tiểu đường ở người khỏe mạnh. Bác sĩ Francesco Rubino ở Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn (Anh) đã cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới thu thập tư liệu về những ca tiểu đường mới khởi phát có liên quan đến Covid-19.

Covid-19 làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới

Covid-19 làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới

Các chuyên gia đã xem xét dữ liệu lấy từ 8 nghiên cứu và nhận diện được 492 ca bệnh tiểu đường mới trên 3.711 bệnh nhân Covid-19.

Theo tạp chí Study Finds, gần đây, các nhà nghiên cứu theo dõi gần 50.000 bệnh nhân Covid-19 trong 5 tháng và nhận thấy có 4,9% trường hợp được phát hiện mắc bệnh tiểu đường sau nhiều tháng khỏi bệnh.

“SARS-COV-2 có khả năng liên kết với các thụ thể ACE-2, hiện diện trong một số nội tạng chuyển hóa quan trọng - bao gồm tế bào tuyến tụy, mô mỡ, ruột non, gan và thận. Vì thế, nó có thể gây ra nhiều thay đổi đồng thời trong quá trình chuyển hóa glucose, làm phức tạp tình trạng của bệnh tiểu đường sẵn có hoặc dẫn đến các ca tiểu đường mới,” các chuyên gia lý giải về cơ chế gây ra tiểu đường ở bệnh nhân Covid-19.