Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, vẫn phải coi trọng biện pháp phòng tránh cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh, đại dịch viêm đường hô hấp cấp vẫn là thách thức lớn với thế giới, trong đó có Việt Nam. Vẫn như trước đây, các biện pháp phòng trách cơ bản là giải pháp hữu hiệu trong cuộc chiến với đại dịch thế kỷ.
Hà Nội tăng cường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất

Hà Nội tăng cường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất

Chưa thể xem Covid-19 là căn bệnh đặc hữu như cúm mùa

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá đại dịch Covid-19 sẽ không thể kết thúc với sự lây lan của biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo nguy cơ đột biến mới xuất hiện khi có nhiều người hơn nhiễm bệnh. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus, chưa quốc gia nào có thể an toàn trước đợt bùng phát mới.

Đúng là số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng. Theo WHO, trong tuần qua số ca nhiễm mới đã tăng 20% trên toàn thế giới với 19 nước ghi nhận ca mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều với những ca lây nhiễm không được phát hiện hoặc không được thống kê. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 20-1 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 339.014.774 ca mắc Covid-19 và 5.582.617 ca tử vong. Còn theo bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật của WHO về Covid-19, mỗi tuần thế giới ghi nhận khoảng 45.000 ca tử vong do Covid-19.

Thế giới đã có vũ khí hữu hiệu để ngăn virus SARS-CoV-2 là vaccine nhưng xung quanh câu chuyện vaccine còn nhiều vấn đề. WHO đã nhiều lần khẳng định khi đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng, thế giới sẽ thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch. Thế nhưng, dựa trên tốc độ triển khai vaccine hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu này vào tháng 7 năm nay.

Tình trạng bất bình đẳng về vaccine đang là thách thức với mục tiêu thoát khỏi đại dịch. Tuần trước, Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 (COVAX) đã đạt mốc phân phối 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Có điều, con số đó vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Theo WHO, hiện vẫn có tới hơn 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiêm mũi 1 vaccine. Chủ tịch Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) Jose Manuel Barroso cho rằng cần thêm 5,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 mới có thể đảm bảo nguồn cung.

Tỷ lệ phủ vaccine còn thấp ở nhiều khu vực là điều kiện để các biến thể mới của SARS-CoV-2 như Omicron xuất hiện. Tiến sĩ Bruce Aylward, một quan chức cấp cao của WHO, cảnh báo: “Chúng ta không thể lường hết hậu quả của đợt bùng phát này. Chúng ta từng có những đợt bùng phát như thế và phải trả giá bằng sự xuất hiện của các biến thể mới”.

Trên thực tế, WHO đã cảnh báo về sự xuất hiện của một biến thể khác là B.1.640 mà WHO đang giám sát nhưng chưa phổ biến như Omicron hay Delta. Trong họp báo đầu tháng 1-2022, bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật của WHO về Covid-19, đánh giá rằng rất khó để nói liệu Omicron có phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng trước khi đại dịch kết thúc hay không.

Trong bối cảnh đó, WHO đánh giá vẫn còn quá sớm để các nước có thể xem Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm. Vẫn như trước đây, điều quan trọng là phải cố gắng hết sức để cắt giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Hà Nội với mục tiêu “3 không” và 5 giải pháp để đẩy lùi Covid-19

Thách thức còn rất lớn nhưng theo bà Maria Van Kerkhove, biện pháp đối phó lại không quá phức tạp. Bà nhấn mạnh: “Bây giờ không phải lúc để nới lỏng các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách”. Bà Maria Van Kerkhove cũng kêu gọi các chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới, có khả năng xuất hiện trong tương lai.

Năm 2021, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Đến nay, Việt Nam đã đạt 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Đây được coi là thành công của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Kết quả đó tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển hướng từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vừa nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân theo cách tốt nhất, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng để có thể phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh “bình thường mới” thì Việt Nam vẫn phải tích cực phòng, chống dịch. Thực tế cho thấy dù tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm nhưng số người nhiễm hằng ngày vẫn còn cao. Trung bình mỗi ngày vẫn có tới trên 15 nghìn ca nhiễm mới.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, đầu mối giao thông quan trong, Hà Nội là nơi mà dịch bệnh có điều kiện bùng phát. Hiện nay, trung bình Hà Nội ghi nhận 2.941 ca/ngày, tăng so với kỳ trước, số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng và có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tiếp theo.

Mới đây, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Thường trực Thành ủy đã ký ban hành Điện về “Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nhất là vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, tập trung quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết bình an, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Cụ thể hóa những định hướng trên, Hà Nội xác định mục tiêu “3 không”: không lây nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng, nếu chuyển nặng không tử vong. Để thực hiện được “3 không”, 5 giải pháp cụ thể được các chuyên gia y tế kiến nghị. Giải pháp đầu tiên là phải giảm lây nhiễm, trong đó tuyên truyền sâu rộng và thân thiện để người dân chủ động thực hiện 5k và nhận thức rõ đây là biện phạm kiềm chế được lây nhiễm. Tiếp đó là vaccine và thuốc kháng virus. Thứ ba là chăm sóc kịp thời người nhiễm tại cơ sở; đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã để giảm tải. Thứ tư là kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện. Cuối cùng là tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân Covid-19.

UBND TP Hà Nội cũng đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covi-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Các đoàn kiểm tra do lãnh đạo UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế, đại diện một số sở, ngành làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch từ ngày 25-12 đến khi kết thúc dịch bệnh. Kiểm tra sẽ tập trung vào 8 nội dung chính, gồm: Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện trạm y tế lưu động; quản lý các trường hợp F1, F0 trên địa bàn; điều tra, truy vết, cách ly, khoanh vùng ổ dịch; công tác truyền thông; công tác hậu cần; tiêm chủng vaccine; công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn.