Covid-19: Bao vây chặt, sớm dập dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số ca mắc Covid-19 ở nước ta trong đợt dịch thứ tư hiện nay đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 trường hợp. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất cho thấy, đợt dịch lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và phức tạp nhất từ trước tới nay tại nước ta đang dần được khống chế để tiến tới có thể dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Việc triển khai thần tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn ở TP.HCM được xem là một mũi tấn công quan trọng để sớm dập dịch

Việc triển khai thần tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn ở TP.HCM được xem là một mũi tấn công quan trọng để sớm dập dịch

Kiểm soát các tâm dịch

Với thêm 90 ca mắc mới Covid-19 được công bố vào trưa 21-6, số các trường hợp nhiễm bệnh ở nước ta trong đợt dịch thứ tư đã vượt qua ngưỡng 10.000 bệnh nhân khi lên tới 10.078 trường hợp, được ghi nhận tại 42 tỉnh và thành phố. Đợt dịch thứ tư, bắt đầu từ ngày 27-4 vừa qua, đã trở thành đợt dịch có số người lây nhiễm nhiều nhất và diễn ra ở nhiều địa phương nhất trên cả nước từ trước tới nay.

Không chỉ có vậy, đợt dịch thứ thứ tư này còn xuất hiện những vùng dịch hay ổ dịch lớn, rất phức tạp như các ổ dịch trong các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; điểm nóng dịch tại thành phố là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu đất nước ở TP.HCM. Trong đó, tính tới trưa ngày 21-6, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có số ca mắc nhiều nhất với gần 6.000 trường hợp (Bắc Ninh có 1.532 ca bệnh, Bắc Giang có 5.427 ca bệnh), TP.HCM trở thành vùng dịch lớn thứ hai với 1.714 ca mắc Covid-19, nhưng điều đáng lo ngại là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường với những ca bệnh ở cộng đồng, đang điều tra dịch tễ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dịch khó kiểm soát hơn trong đợt dịch thứ tư là do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng trước đó của virus này. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP.HCM cho rằng, biến chủng virus SARS-CoV-2 là B.1.617.2 (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ), nay được gọi là biến chủng Delta, chính là sự khác biệt trong đợt dịch bùng phát lần này ở thành phố. Biến chủng Delta nhẹ, lơ lửng trong không khí lâu hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn (có khi chỉ 3 ngày) khiến dịch bệnh lan nhanh và làm giảm tác dụng của nhiều loại vaccine phòng Covid-19.

Tuy vậy, nhìn tổng thể đợt dịch thứ tư trên phạm vi cả nước có thể thấy những tín hiệu tích cực, lạc quan. Trong đó, đáng kể nhất là hai tâm dịch lớn ở các khu công nghiệp quy mô với hàng trăm nghìn lao động đến từ nhiều tỉnh, thành phố là Bắc Ninh và Bắc Giang đang dần được kiểm soát, các ca mắc mới đang giảm rất nhanh và đều ở trong các khu vực đã được phong tỏa, cách ly và không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất trong đợt dịch thứ tư này cũng như của cả nước từ trước tới nay, nhưng tỉnh Bắc Giang đang phấn đấu kiểm soát, chặn đứng các chuỗi lây nhiễm khi sau hơn 1 tháng chống dịch đã đạt được bước tiến quan trọng như khoanh được dịch từ khu công nghiệp, từ cộng đồng dân cư, và trong các khi cách ly tập trung. Bắc Giang đặt mục tiêu quyết liệt giảm sâu các trường hợp F0 để sớm khống chế được dịch và hết tháng 6 toàn tỉnh sẽ trở lại trạng thái bình thường mới.

Trong khi đó, dịch bệnh cũng đã được ngăn chặn, kiểm soát ở nhiều địa phương khác với gần 20 tỉnh và thành phố, gồm: Bạc Liêu, Đăk Lăk, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. 7 địa phương là Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Yên Bái, đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Nhiều mũi “tấn công” dịch bệnh

Hiện, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An… với những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, công nhân. CDC TP.HCM cho biết, tính đến trưa giờ ngày 21-6, có 1.996 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố đã được Bộ Y tế công bố.

Theo CDC TP.HCM, hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát. Các chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện như: xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3 (quận Bình tân), chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi Công ty Kim Minh (quận 5), Công ty Thực phẩm Trung Sơn… đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, giám sát chặt. Các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cũng đang được ráo riết điều tra, khoanh vùng, xác minh.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh đòi hỏi phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần hết sức quyết liệt, đặc biệt tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, nếu doanh nghiệp nào không triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch triệt để, doanh nghiệp không quan tâm và người lao động không thực hiện thì dịch bệnh sẽ bùng phát, không chỉ một vài ca bệnh mà hàng loạt ca bệnh ở các công xưởng. Không chỉ lây lan trong một công ty mà có thể lây lan các công ty khác có liên quan.

TP.HCM hiện có rất nhiều khu công nghiệp mà nếu không có biện pháp dự phòng thì nguy cơ “vỡ trận” trong khu công nghiệp là hiện hữu. Dịch lây lan trong khu công nghiệp không chỉ ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, nguồn thu của doanh nghiệp, người lao động cũng như tình hình kinh tế của địa phương, số lượng ca bệnh nếu lớn sẽ dẫn đến quá tải khối điều trị.

Do đó, cùng với việc thực hiễn giãn cách xã hội linh hoạt theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tùy theo diễn biến dịch bệnh tại các địa phương, cần áp dụng các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để ngăn chặn dịch lây lan trong các khu công nghiệp. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP.HCM từ ngày 21-6 tổ chức 100 đoàn kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhằm giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đây được xem là mũi tấn công, biện pháp quan trọng để thành phố lớn hàng đầu của cả nước này chặn các chuỗi lây lan, sớm kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, mũi tấn công thứ hai, rất quan trọng là triển khai thần tốc chiến dịch quy mô lớn tiêm vaccine phòng Covid-19 ở TP.HCM với ưu tiên trước hết là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ ngày 19-6, TP.HCM đã khẩn trương tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu tiêm hết 804.000 liều caccine ngừa Covid-19 chỉ trong thời gian 5 ngày, trong đó tiêm cho 280.000 công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp; khoảng 40.000 công nhân trong khu công nghệ cao; và khoảng 20.000 người trong khu công viên phần mềm Quang Trung.

Có thể thấy, với các biện pháp đồng bộ nhằm bao vây chặt những ổ dịch để sàng lọc, phát hiện các trường hợp mắc, đồng thời tấn công bằng việc triển khai thần tốc chiến dịch tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên và dần mở rộng ra, đợt dịch thứ tư này sẽ được ngăn chặn, kiểm soát trong thời gian tới.