Cột mốc số 0 của Hà Nội nên xây nằm hay đứng?

ANTD.VN - Ý tưởng về xây dựng cột mốc số 0 của Hà Nội đang dần được hiện hữu khi UBND quận Hoàn Kiếm bắt tay vào thực hiện. Sau ý kiến phúc đáp của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam về vị trí đặt cột mốc cũng như hình thức xây dựng nên đặt đứng hay nằm, giới chuyên môn đã lên tiếng đóng góp ý kiến.

Tại công văn số 303/ĐĐBĐVN-CSQL về việc cung cấp thông tin về cột mốc số 0 gửi UBND quận Hoàn Kiếm, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam khẳng định việc cần thiết xây dựng cột mốc số 0 của Hà Nội. Bởi trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã xây dựng KM số 0 tại địa điểm nổi tiếng. Và thực tế đã chứng minh, cột mốc số 0 đã mang lại hiệu ứng tốt trong quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch.

Do cột mốc số 0 không thuộc hệ thống công trình hạ tầng đo đạc, vì vậy, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chỉ nêu ý kiến đóng góp ở góc độ chuyên môn. Thứ nhất, về vị trí đặt cột mốc số 0, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho rằng, đề xuất đặt cột mốc tại vị trí đồng hồ hoa (ngã tư Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng) của UBND quận Hoàn Kiếm là hợp lý hơn cả.

Tuy nhiên, để có phương án tối ưu nhất, ngoài các yếu tố về quy hoạch kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm cần tính đến sự thuận tiện, an toàn cho du khách di chuyển tới cột mốc cũng như việc có thể ghi lại hình ảnh đẹp bên cạnh cột mốc trong tổng thể cảnh quan chung của hồ Hoàn Kiếm.

Thứ hai, về hình thức xây dựng cột mốc số 0, theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nên xây cột mốc đứng thay vì nằm. Để lý giải cho quan điểm này, Cục đã lấy ví dụ về hai hình thức xây dựng cột mốc số 0 trên thế giới.

Xây cột mốc đứng với quan niệm, du khách đã tới với nơi đây như cột mốc tại Washington DC (Mỹ). Xây dựng cột mốc nằm với quan niệm du khách đã đặt chân tới nơi đây như cột mốc tại Thủ đô Paris (Pháp), tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Đặt trong bối cảnh tại Hồ Gươm hiện nay và con người Việt Nam thân thiện thì xây dựng cột mốc theo quan niệm đến với nơi đây, tức là cột mốc đứng sẽ phù hợp hơn.

Vị trí dự kiến sẽ đặt cột mốc số 0
Vị trí dự kiến sẽ đặt cột mốc số 0             

Tuy nhiên, giới chuyên môn lại không hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, cột mốc số 0 nên làm dẹt trên mặt phẳng và phải đẹp, tuyệt đối không nổi lên mặt đất. Trong đó, KTS Đoàn Kỳ Thanh đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm tải cho Hồ Gươm, cảnh quan nơi đây nên giản dị và giàu tiện ích.

“Chúng ta nên thiết kế không gian có tiện ích để khách có thể ngồi ở đó được, không cần làm thành cái gì ghê gớm. Chẳng hạn, có thể làm những tác phẩm điêu khắc có công năng để du khách có chỗ nghỉ ngơi. Đất ở đó chật, không thể đưa quá nhiều thứ vào Hồ Gươm”, ông Thanh nói.

Đồng quan điểm với kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, nhà nhiếp ảnh, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, nên xây cột mốc số 0 nằm thay vì đứng cho đỡ tốn không gian bởi về mặt thị giác, các biểu tượng nổi quanh Hồ Gươm đã khá nhiều rồi, không cần thiết tạo thêm các biểu tượng mới.

Trong khi ấy, cha đẻ ý tưởng xây dựng cột mốc số 0, PGS.TS Hà Đình Đức lại bảo vệ quan điểm của mình về hình thức xây dựng cột mốc. Theo ông Hà Đình Đức, cột mốc nên xây nổi lên mặt đất khoảng 50-70 cm. Trên cột mốc có đặt biểu tượng của Hà Nội. Đồng thời, PGS.TS Hà Đình Đức còn cho rằng, cột mốc này không mang ý nghĩa về mặt đo lường, chỉ mang ý nghĩa về mặt văn hóa, du lịch, do vậy đặt tại vị trí ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng là hợp lý.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định, việc xây dựng cột mốc số 0 là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, vị trí đặt cột mốc nằm trong vòng 2 phạm vi bảo vệ di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Gươm nên việc xây dựng cột mốc nhất thiết phải không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Mặt khác, cột mốc số 0 là cột mốc quốc gia, lại đặt tại vị trí linh thiêng của Hà Nội nên công trình còn có tác dụng nâng cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ di tích, di sản văn hóa. Do vậy, theo kiến trúc sư Trần Duy Ánh, UBND quận Hoàn Kiếm cần tổ chức cuộc hội thảo rộng rãi để các tầng lớp nhân dân, kiều bào, đặc biệt là các bạn trẻ Thủ đô và mọi miền đất nước cùng tham gia đóng góp sáng kiến, phác thảo. Làm sao mỗi công trình xây dựng tại Hồ Gươm dù lớn hay nhỏ cũng được cân nhắc, tránh tùy tiện, cẩu thả.

Với nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, thời gian tới đây, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế không gian cho cột mốc số 0 để tìm ra phương án tối ưu  nhất.