Bóng đá học đường:

Cốt lõi phát triển của cả nền bóng đá

ANTĐ - Vào tháng 12-2015 tới đây, Tổng cục TDTT sẽ mở một hội nghị nhằm xây dựng kế hoạch “đại tu” bóng đá Việt Nam, trong đó có một vấn đề đặc biệt quan trọng, đó là phát triển và tìm kiếm nguồn tài năng thông qua bóng đá học đường.
Cốt lõi phát triển của cả nền bóng đá ảnh 1

Đào tạo trẻ yếu tố quyết định

Từ top 50, chỉ trong 2-3 năm trở lại đây, ĐT Bỉ đã có những bước tiến vũ bão, trở thành “đại gia” với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của FIFA. Với lứa tài năng kiệt xuất như Courtois, Hazard, Kompany, Vertonghen, De Bruyne, Lukaku, Witsel, Zanuzaj… và rất nhiều cái tên khác nữa, bóng đá Bỉ đang làm mưa làm gió ở châu Âu và khiến mọi đội bóng lớn khác phải nể sợ. Điều gì khiến ĐT Bỉ phát triển nhanh như vậy, khi mới chỉ ở World Cup 2006, họ còn không vượt qua nổi vòng loại? 

Một cuộc đại cách mạng từ hơn 10 năm trước đã giúp bóng đá Bỉ gặt hái được thành quả như ngày hôm nay. 8 trung tâm huấn luyện trẻ nâng cao được mở ra và đặt trên cả nước để thu hút nhân tài từ mọi lứa tuổi, ngay từ bậc tiểu học. Cùng với đó, những giáo án tiên tiến nhất cũng được cập nhật và đưa vào giảng dạy. Từ đó, những Courtois, Hazard đã lộ diện. 

Nhật Bản, quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục cũng đã nhìn ra việc đào tạo trẻ có ý nghĩa quyết định từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1993 (thời điểm J-League ra đời), các nhà chuyên môn bóng đá của Nhật đã rất chú trọng “xây nhà từ móng” bằng phương pháp tuyển chọn tài năng từ học đường. Hai sản phẩm ưu tú nhất mà bóng đá Nhật Bản có được trong thời gian qua là Shinji Kagawa và Keisuke Honda cũng từng là những học sinh cấp II được tuyển chọn vào đội bóng của trường.

Keisuke Honda từng chơi cho đội bóng trường cấp II tỉnh Settsum để giờ đang là trụ cột của AC Milan danh tiếng. Trong khi đó, Shinji Kagawa người từng chơi rất hay ở M.U và Dortmund cũng từng là thành viên của đội bóng trường cấp II thành phố Sendai năm 12 tuổi. 

Cốt lõi phát triển của cả nền bóng đá ảnh 2

Những giải bóng đá như giải học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bóng đá học đường

Bóng đá học đường chìa khóa cho bóng đá Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà trong hội nghị nhằm xây dựng kế hoạch “đại tu” bóng đá sẽ được Tổng cục TDTT tổ chức vào tháng tới, vấn đề tìm kiếm tài năng từ học đường lại trở nên nóng bỏng như vậy. Bóng đá Việt Nam đang học theo mô hình của Nhật Bản và những người làm bóng đá đã nhận ra bóng đá học đường đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh các lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp.

Những giải đấu như Giải học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức từ năm 2001 cho đến nay, mô hình bóng đá học đường của Yamaha, hay của VFF triển khai ở TP.HCM từ 2013 là những điểm sáng hiếm hoi của việc phát triển phong trào bóng đá trong trường học. Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội được Sở GD-ĐT, các trường trên địa bàn Thủ đô đánh giá rất cao nhờ quy mô và chất lượng chuyên môn. Phong trào bóng đá của các nhà trường từ đó cũng được nâng lên rõ rệt. 

Cốt lõi phát triển của cả nền bóng đá ảnh 3

Có nhiều cầu thủ từng thi đấu ở giải học sinh THPT Hà Nội do Báo ANTĐ tổ chức được giới chuyên môn đánh giá có tố chất trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, như Nguyễn Thành Trung (THPT Hà Nội Amsterdam, vua phá lưới mùa giải 2007, 11 bàn). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có việc không được lựa chọn và bồi dưỡng phát triển đúng hướng nên những tài năng bóng đá này đã không thể tiếp tục với nghiệp cầu thủ. Sẽ có rất nhiều những  tài năng như vậy bị phung phí nếu như Liên đoàn bóng đá Việt Nam chưa thực sự “vào cuộc” với bóng đá học đường.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh và cho rằng bóng đá Việt Nam có thể đuổi kịp Nhật Bản hay Hàn Quốc trong tương lai ngắn nếu áp dụng đúng mô hình như vậy. Mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế và văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, bóng đá học đường sẽ là giải pháp để tận dụng mọi nguồn lực từ xã hội trong việc tìm kiếm những tài năng cho bóng đá Việt Nam, theo cách “xây nhà từ móng” chứ không phải “từ nóc” như lâu nay.