Công viên Hà Nội đang biến dạng

ANTĐ - Là khoảng xanh không thể thiếu trong đời sống cư dân đô thị, công viên không chỉ đem lại bầu không khí trong lành mà còn là nơi người dân tìm đến như một địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng thật tiếc, trong thực tế, công viên Hà Nội không giữ được nguyên vẹn ý nghĩa tốt đẹp đó.

Khách tham quan trèo lên hàng rào cho thú ăn nhưng không ai nhắc nhở

Khó chịu ngay từ cửa!

Theo công thức vẫn được thế giới áp dụng, công viên là một không gian mở dành cho mọi đối tượng đến để vui chơi, thư giãn. Thế nhưng, với những công viên có xây tường bao quanh ở Hà Nội như công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, công viên Nghĩa Đô… thì đều bán vé vào. Lý do giải thích cho việc này là công viên cũng được coi như một điểm kinh doanh, đầu tư có thu hồi vốn, tiền thu vé để trang trải các khoản đầu tư xây dựng. Tuy vậy, cách làm này ở một khía cạnh khác không mang lại hiệu quả.

Vé vào cửa là vậy nhưng muốn tham gia vào các trò chơi khác, thì người dân phải móc ví tới dăm bảy lần. Xét cho cùng, công viên là không gian công cộng, mà đã là không gian công cộng sao người dân phải bỏ tiền ra để tới vui chơi? Ban quản lý công viên vẫn có thể thu tiền nhưng phải có hình thức khác, linh hoạt và dễ chấp nhận hơn. Việc thu vé vào cửa đã gây khó chịu cho người tham quan ngay từ khi bước chân vào, lại thêm việc trước đó bị “chặt chém” tiền gửi xe, du khách nào dễ tính lắm thì cũng phải nhăn mặt trước những điều không đẹp mắt, những bất hợp lý đến khó hiểu. 

Ngày thường lượng khách đến Vườn thú Hà Nội, hay còn được gọi là Công viên Thủ Lệ không đông lắm. Hệ thống khoảng 40 chuồng nuôi hổ, gấu ngựa, voi, hà mã, hươu sao, các loại chim… khá buồn tẻ và cũ kỹ. Từ phía cổng vào đường Nguyễn Văn Ngọc, đi một đoạn, khách tham quan dễ dàng bắt gặp các trò chơi như xe đu quay, xe điện, xe đụng, nhà phao, nhà lội bóng… vẫn y nguyên như hơn chục năm trước. Chính vì thế trẻ con đến vườn thú giờ không mấy mặn mà với mấy trò chơi này. Ngay cả điểm xem phim 5D mặc dù được quảng cáo khá hấp dẫn với đủ trải nghiệm hình ảnh, mùi vị, phun gió, phun nước… cũng chỉ lèo tèo vài khách. Cùng với Thủ Lệ, công viên Văn hóa Đống Đa cũng nằm trong tình trạng tương tự. Buổi tối đầu hè, thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu vậy mà những người chủ kinh doanh dịch vụ trò chơi chỉ ngồi ngáp và chờ đợi khách. 

Khi chúng tôi đến, công viên Thống Nhất đang lắp đặt hệ thống trò chơi mới. Thoạt nhìn thì khá hấp dẫn với những xích đu, những cầu xoắn ngoằn ngoèo thử tài khéo léo nhưng xét về góc độ đảm bảo an toàn cho người chơi thì còn nhiều điều để nói khi nó được xây dựng trên nền đất mà không phải bằng chất liệu ít gây sang chấn hơn như cát, xốp... Với trò chơi thì như vậy, còn với hệ thống phương tiện hỗ trợ du khách tham quan, các công viên đã ra đời cách đây vài chục năm của Hà Nội hầu như chưa có. 

Thảm cỏ thành bãi rác

Công viên Bách Thảo là nơi tập trung các loài thực vật nhiệt đới cùng hệ thống hồ xanh mướt. Đây từ lâu được xem là không gian lý tưởng để người dân đi bộ hóng mát, tập thể dục hay thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, đồi cỏ rất đẹp nằm trong đó đã trở thành địa điểm tổ chức tiệc tùng của giới trẻ mà sau những cuộc vui là vô số rác rưởi, vỏ hoa quả, chai lọ… vứt vương vãi khắp nơi. Dù trong khu vực công viên đã bố trí nhiều thùng rác nhưng hiếm ai có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. 

Công viên vốn được coi “lá phổi xanh” của thành phố - là nơi người dân tìm đến để tận hưởng bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, một số khu vực như công viên Hòa Bình, công viên Hà Đông… lại trở thành địa điểm lý tưởng cho hàng quán và đủ các loại tệ nạn. Đáng buồn khi những không gian xanh hiếm hoi ở Thủ đô đang trở thành “bãi chiến trường” của đủ loại rác thải, kim tiêm và những cảnh tượng nhếch nhác, khó coi. Trước thực tế đáng buồn, nhiều năm trở lại đây, một số công viên ở Hà Nội đã không còn tồn tại đúng mục đích, chức năng của nó. Cảnh quan nhếch nhác, buồn tẻ, các công trình, hạng mục xuống cấp, cũ kỹ, cộng với môi trường tiềm ẩn nhiều “tệ nạn” đã khiến những “lá phổi xanh” bị lãng quên giữa lòng đô thị. 

Đường… ô tô giữa công viên

Đến công viên khi nắng đã tắt, chúng tôi vẫn thấy khó chịu với hơi nóng bốc lên từ những con đường rải bê tông khô cứng trong công viên. Vốn là không gian dành cho người đi bộ, nhưng đường trong công viên bị áp dụng nguyên lối xây dựng đường phố với đường nhựa dành cho hai làn xe, hai bên đường được be cao lát vỉa hè. Khó chịu nhất là người ta còn cho thiết kế cả một ngã tư cho xe cộ tránh nhau như ngoài phố. Thêm vào đó, đường trong công viên có cần thiết phải trải nhựa phẳng lỳ, lát gạch đều nhau tăm tắp để rồi hấp thụ cái nắng nóng cả ngày và phả lại người đi dạo lúc hoàng hôn? 

Theo ý kiến của nhiều kiến trúc sư thì công viên rất cần những con đường chỉ có 75cm để du khách đi một mình, hay những con đường dành cho hai người chứ không phải tất cả đều rộng thênh thang cho tất cả mọi người. Đấy là chưa kể đến mảng chiếu sáng trong công viên cũng còn rất nhiều điều thiếu hợp lý.


(Còn tiếp)