Công ty tài chính muốn cơ chế cấp "room" tín dụng riêng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các công ty tài chính cho rằng các quy định về cơ chế cấp "room" tín dụng với các công ty tài chính còn bất cập, quy định mức lãi chậm trả tối đa không quá 10%/năm là tương đối thấp.

chế cấp “room” tín dụng còn bất cập

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến các công ty tài chính.

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới 63 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 40% tổng dư nợ). Điều này khiến nợ xấu của nhóm công ty tài chính vọt lên 9%, tương đương nợ xấu tăng 33% (cuối năm 2020 tỷ lệ này chỉ 6%).

Trong khi nợ xấu tăng nhanh thì tín dụng 9 tháng đầu năm của nhóm công ty tài chính chỉ tăng 2%, điều này khiến các công ty tài chính gặp khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn dư thừa, nhất là không thể đầu tư giấy tờ có giá để tận dụng vốn.

Dù vậy, nhiều công ty tài chính vẫn cho biết đã “cạn room” tín dụng trong năm nay và kiến nghị cơ quan quản lý tháo gỡ khó khăn về cơ chế cấp hạn mức tín dụng.

Đơn cử như SHB Finance – một công ty tài chính mới thành lập năm 2018, dù được cấp hạn mức 12% trong năm nay nhưng do quy mô tín dụng còn nhỏ bé nên công ty này đã sớm sử dụng hết room tín dụng ngay đầu quý II/2021.

Hay với công ty tài chính lớn như FE Credit, việc vừa hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn cho Tập đoàn SMBC của Nhật giúp ngân hàng mẹ thu về nguồn vốn khổng lồ và có thể phân bổ lượng vốn lớn cho công ty này tăng trưởng.

Thế nhưng, với “room” tín dụng hàng năm mà NHNN cấp cho FE Credit ở mức hạn chế, công ty rất khó có thể tận dụng lợi thế mà thương vụ bán vốn này mang lại.

Các công ty tài chính muốn được "nới room" tín dụng

Các công ty tài chính muốn được "nới room" tín dụng

Do đó, hầu hết các công ty tài chính cho rằng hiện nay hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho khối công ty tài chính còn thấp. Cùng với đó, việc phân bổ hạn mức theo từng quý khiến các công ty tài chính cũng bị động và khó khăn trong lập kế hoạch kinh doanh cho cả năm.

Đặc biệt, theo các công ty tài chính, tỷ lệ nợ xấu trung bình của nhóm công ty tài chính là 8-9%, tại Việt Nam hiện nay ở mức trên 9% do đặc thù cho vay nhóm khách hàng yếu thế, dưới chuẩn, không có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, NHNN đưa ra chỉ tiêu nợ xấu với các công ty tài chính lại giống như nhóm ngân hàng thương mại (dưới 3%) là không phù hợp dẫn đến khi xem xét cấp chỉ tiêu tín dụng, các công ty tài chính thường bị cấp room hạn chế.

Vì vậy, các công ty tài chính đề nghị NHNN cần ban hành hành lang riêng, xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) đối với các công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch bệnh; bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Muốn được tăng trần lãi phạt

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng nêu nhiều vướng mắc về nhu cầu, mục đích vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng còn bị hạn chế; Quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay...

Quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, quy định nội bộ (nhắc nợ, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay), trách nhiệm của công ty tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng… chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, mức độ rủi ro của khách hàng ở mức cao hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác...

Cùng với đó, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định mức lãi chậm trả tối đa không quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, theo các công ty tài chính là tương đối thấp, gây khó khăn trong quá trình thu hồi nợ, nhất là khi các công ty tài chính có các sản phẩm cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm...

Do đó, các công ty tài chính đề nghị NHNN xem xét đưa ra tiêu chí cho vay phù hợp với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. Trong đó điều chỉnh mức lãi chậm trả lãi.

Đồng thời, xem xét bổ sung các quy định cho phép các TCTD có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng tinh gọn thủ tục, trình tự vay vốn trên cơ sở bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng để phù hợp hơn với đặc thù công tác thu hồi nợ và đối tượng khác hàng vay vốn của các công ty tài chính.

Liên quan đến các vướng mắc của nhóm công ty tài chính, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho hay, hiện Thống đốc NHNN đã giao Vụ Tín dụng các ngành kinh tế rà soát hoạt động cho vay tiêu dùng, trên cơ sở đó để mở rộng hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Tới đây, NHNN sẽ tiếp thu, sửa đổi hành lang pháp lý liên quan như phân biệt tỷ lệ nợ xấu tại công ty tài chính, chuyển đổi số, đa dạng hóa hoạt động của nhóm công ty tài chính…