Công ty Rheinmetall gặp họa vì lệnh cấm vận của chính phủ Đức

ANTĐ - Bộ Quốc phòng Liên bang Nga sẽ chuẩn bị hồ sơ khởi kiện việc công ty Rheinmetall của Đức hủy hợp đồng xây dựng trung tâm huấn luyện Mulino ở tỉnh Nizhny Novgorod.

Ngày 5-8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, bộ quốc phòng nước này sẵn sàng khởi kiện công ty của Đức nếu vi phạm hợp đồng quân sự đã ký kết trước đây. Theo kế hoạch, bản hợp đồng này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Borisov cũng nhấn mạnh rằng, sự hủy bỏ hợp đồng không hề ảnh hưởng đến công trình xây dựng bãi tập liên ngành Mulino. Phía Đức đã cung cấp cho Nga khá nhiều thiết bị khác nhau phục vụ huấn luyện chiến đấu, chúng sẽ được thay thế bằng sản phẩm trong nước.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, công ty của Đức cũng đã công khai phản đối vấn đề này nhằm buộc chính phủ có phản ứng và không cho phép điều này xảy ra. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, Rheinmetall khẳng định là họ sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng này và hoàn thành bàn giao đúng thời hạn.

Thứ trưởng Borisov cho biết, theo điều khoản quy định nếu hợp đồng thất bại do nguyên nhân từ phía Đức thì Nga có quyền đặt ra các yêu cầu bồi thường. Trước đó, vào ngày 19-3, chính phủ Đức đã tuyên bố đình chỉ hợp đồng quốc phòng ký kết với Nga của công ty quốc phòng Rheinmetall.

Theo bản hợp đồng được ký kết năm 2011, Rheinmetall cung cấp công nghệ mô phỏng cho trung tâm huấn luyện chiến đấu Nga có trị giá khoảng 100 triệu euro (138 triệu USD). Hợp đồng này đã được ký kết từ 2 năm trước và dự kiến sẽ ​​hoàn thành trong năm nay. Sau khi hoàn thành, trung tâm huấn luyện này có thể huấn luyện 30.000 quân mỗi năm.

Công ty Rheinmetall gặp họa vì lệnh cấm vận của chính phủ Đức ảnh 1

Lính đặc nhiệm Nga “xuất quỷ nhập thần” ở Crimea

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) thì đối tác của Rheinmetall trong thương vụ nói trên chính là công ty Oboronservis trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Và trung tâm huấn luyện Mulino được xây dựng theo mô hình được xem là tiến tiến nhất trên thế giới của quân đội Liên bang Đức.

Một số quan chức chính phủ Mỹ không hài lòng với cách xử lý của Đức trong thương vụ này, và quan ngại rằng các đơn vị đặc nhiệm thuộc Cục Tình báo Quân sự (GRU) của Nga đã được hưởng lợi từ hợp đồng huấn luyện với Đức. Các đơn vị đặc nhiệm của GRU được cho là đứng sau hậu thuẫn phong trào ly khai ở Crimea.

Đặc biệt là trong chiến dịch chiếm lĩnh Crimea, cả thế giới kinh ngạc trước sự “lột xác” toàn diện của các lực lượng đặc nhiệm Nga. Trang bị công nghệ hiện đại hơn và năng lực tác chiến đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là an ninh chiến dịch được giữ bí mật hầu như tuyệt đối, làm cho cả cộng đồng tình báo Mỹ và châu Âu hoàn toàn bất ngờ. 

Trước sức ép của Mỹ và các nước đồng minh khác, Bộ Kinh tế Đức đã ra thông báo, chính phủ nước này coi việc xuất khẩu số trang thiết bị này cho Nga là không phù hợp với tình hình hiện nay và đang làm việc với công ty sản xuất quốc phòng Rheinmetall về vấn đề hủy bỏ hợp đồng này.

Tuy nhiên, Reinmetall xem hợp đồng này như là thương vụ đầu tay mở đường cho một số dự án lớn hơn trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng và trang thiết bị của Nga. Nếu hủy hợp đồng và bị phạt, Reinmetall sẽ vừa mất tiền vừa mất cơ hội xâm nhập vào thị trường màu mỡ ở Nga.