Khu Liên hợp thể thao quốc gia

“Công trình phụ” lại đua nhau mọc

ANTĐ - Cách đây ít tháng, Báo ANTĐ đã có bài viết về nhiều hạng mục tại Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG), ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội bị chia nhỏ để cho thuê, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt chung của khu liên hợp. Tuy vậy, gần đây dư luận lại tiếp tục “dậy sóng” khi hàng loạt công trình khác đua nhau mọc lên tại khu vực này.

Khu ẩm thực phố cổ gần khu khán đài D

Lộn xộn, mất mỹ quan

Khu LHTTQG được khởi công xây dựng năm 2001, với diện tích 247ha tại hai xã Mễ Trì, Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Ngoài một số hạng mục đã được hoàn thiện, nhiều công trình khác thuộc giai đoạn 2 của Khu LHTTQG như hồ điều hòa, sân đua xe đạp lòng chảo, nhà thi đấu có mái che, khu thi đấu quần vợt, khu thể thao người khuyết tật... vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Đình Toàn, một người dân ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm cho biết: “Lộn xộn, mất mỹ quan là thực trạng đang diễn ra tại khu liên hợp nhiều tháng nay. Bụi đất mù mịt từ đầu đến cuối đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ - nơi Khu LHTTQG án ngữ bởi các dự án cải tạo, xây dựng công trình, cho thuê làm nơi trộn bê tông… gây ô nhiễm, ảnh hưởng  xấu đến môi trường sống của người dân trong khu vực… ”. 

Cũng theo ông Toàn, nếu nhìn những dãy nhà hàng, quán cà phê, siêu thị nội thất, gara ô tô quanh Khu LHTTQG mọc lên bừa bãi, phá vỡ quy hoạch chung, không ai nghĩ đơn vị quản lý đã khai thác đúng chức năng. Công bằng mà nói, một khu liên hợp thể thao theo tiêu chuẩn quốc tế thì không chỉ có sân thi đấu. Đó phải là một khu vực với đầy đủ các dịch vụ đi kèm như nơi nghỉ cho vận động viên, khu phục hồi sức khỏe, ăn uống, quà lưu niệm, nhà truyền thống, khu vui chơi, mua sắm… Tiếc rằng từ khi khởi công năm 2001 đến nay, những hạng mục dành cho các dịch vụ trên vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Trong khi đó, các “công trình phụ” lại đua nhau mọc lên.

Có mặt tại Khu LHTTQG sáng 25-10, chúng tôi thấy ngay sát khu khán đài D của sân vận động là một khu ẩm thực với hàng loạt gian nhà xây theo kiến trúc cổ, mái ngói đỏ tươi mọc lên với tên gọi “Khu ẩm thực phố cổ”. Trong khi đó, tại phần diện tích trong nhà (14ha), người ta đã cho thuê làm sân gôn, sân bóng mini, 2 trạm trộn bê tông. Ở khu ngoài trời (9,8ha), phần lớn diện tích đang được sử dụng để làm gara ô tô và sân cỏ nhân tạo. Khu đất hàng nghìn mét vuông ngay cạnh quảng trường Mỹ Đình cũng được dùng làm chỗ bán cây cảnh, đá cảnh cùng rất nhiều dịch vụ khác. Riêng cung thể thao dưới nước, đối diện sân Mỹ Đình, những khoảng đất tạo tiểu cảnh xung quanh cũng được tận dụng triệt để làm xưởng dịch vụ ô tô, cửa hàng gas... Bên trong Cung thể thao dưới nước, một số phòng chức năng đã thành địa điểm dạy và học của trường quốc tế Newton. 

Sân bóng mini, gara ô tô hiện diện khắp nơi xung quanh khu liên hợp thể thao

“Chúng tôi có thiếu sót…”

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 42 ngày 3-3-2011, Bộ VH-TT&DL đã ủng hộ việc thí điểm thực hiện liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất của Khu LHTTQG. Do đó, từ tháng 6-2011, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý chủ trương thí điểm liên doanh liên kết theo đề nghị của đơn vị này, bao gồm các dự án: Trung tâm thương mại và dịch vụ thể thao tổng hợp, Quần thể giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Trung tâm dịch vụ thương mại Mỹ Đình. Trong quá trình liên doanh liên kết, Khu LHTTQG cần đảm bảo các hoạt động của ngành, phù hợp với quy hoạch trước mắt và lâu dài của khu liên hợp, phải  thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Ngày 22-9-2011, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL, theo đó, Bộ này thống nhất với việc sử dụng 3 khu đất xen kẹt thuộc Khu LHTTQG để thực hiện 3 dự án nêu trên với yêu cầu: Việc liên doanh liên kết phải phù hợp với quy hoạch và chức năng nhiệm vụ của Khu LHTTQG, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất; Việc lựa chọn đối tác phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật... Đến 12-1-2012, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 95/QĐ-BVHTTDL giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2012-2014 cho Khu LHTTQG. 

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, bà Vũ Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Khu LHTTQG cho biết, khi khu này chưa được giao “tự chủ”, mỗi năm Nhà nước phải chi từ 15-20 tỷ đồng để duy trì hoạt động thường xuyên và duy tu bảo dưỡng các hạng mục tại đây. Từ khi được phép hoạt động như một doanh nghiệp, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, Khu LHTTQG đã có doanh thu 30 tỷ đồng. Ngoài các dự án liên doanh liên kết, Khu LHTTQG đang cho một số đơn vị thuê làm sân gôn, sân bóng mini và 2 trạm trộn bê tông. Riêng 2 trạm trộn bê tông do gây ô nhiễm môi trường nên hợp đồng cho thuê sẽ chấm dứt vào ngày 31-12. “Khu ẩm thực phố cổ, phòng massage, dịch vụ ăn uống ở khu vực sân vận động… là các dịch vụ cần thiết cho vận động viên và khách đến xem thi đấu tại đây nên sự tồn tại là hợp lý. Ngoài ra, một số phòng dịch vụ còn là phòng công năng vốn có của sân vận động. Do thời gian thuê đất được ký với các đơn vị chỉ từ 6 tháng - 1 năm nên khi có quyết định thu hồi các diện tích này, chỉ trong vòng 3 tháng chúng tôi sẽ có mặt bằng sạch” - bà Hương quả quyết.

Cũng theo bà Hương, Khu LHTTQG nằm trong quần thể đẹp, song do đầu tư thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện nên nhiều hạng mục chưa đáp ứng được nhu cầu của các vận động viên, khán giả khi đến đây. “Do “tự chủ” mới được gần 1 năm nên bên cạnh những việc đã làm được, chắc chắn lãnh đạo Khu LHTTQG còn những thiếu sót cần rút kinh nghiệm” - bà Hương thừa nhận.

Việc phát triển Khu LHTTQG trở thành một khu liên hợp đồng bộ, tạo ra nguồn thu để duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng là việc làm cần thiết để giảm bớt gánh nặng từ nguồn ngân sách quốc gia, tránh việc để tài sản bỏ không gây lãng phí về tiền của. Tuy vậy, việc liên doanh liên kết của Khu LHTTQG thời gian qua tại một số khu vực chưa được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng đã ảnh hưởng đến cảnh quan chung, khiến không ít người dân bức xúc.