Công thức "hái tiền" của Man United

ANTĐ - Mới đây, Man United đã được Forbes định giá là CLB thể thao có giá trị cao nhất thế giới, tiếp cận mức 3 tỷ USD, vượt qua các CLB khác. Không phải ngẫu nhiên mà đội bóng này thành công rực rỡ vậy.

Các ngôi sao Man United quảng cáo cho khoai tây chiên Mister

Để tìm hiểu về công thức thành công của Man United, hãy bắt đầu từ 2 thương hiệu chẳng mấy liên quan đến bóng đá: Khoai tây chiên Mister và Vodka Smirnoff. Điểm chung: cả hai đều là nhà tài trợ của Man United. Mục đích cuối cùng: quảng bá thương hiệu một cách trực tiếp thông qua những Robin van Persie, Rooney hoặc Chicharito.

Đây chỉ là 2 trong số 32 thương hiệu hiện đang tài trợ cho Man United. Có thể kể ra hàng loạt cái tên nổi tiếng như DHL, Nike, Chervolet hay hãng cá cược BWIN. Mới đây, những thương hiệu đình đám của châu Á như bia Singha, nước ngọt Wahasa (Trung Quốc), sơn Kansai (Nhật Bản) cũng đã hợp tác với Man United. Chỉ riêng số tiền cứng thu được từ việc tài trợ này đã đem về cho Man United 130 triệu bảng/năm và con số sẽ còn tăng lên rất nhanh trong tương lai.

Trong số này có rất nhiều hợp đồng có giá trị chỉ từ 1-2 triệu bảng và có thời hạn từ 1- 3 năm. Thoạt nhìn nó có vẻ chẳng thấm tháp vào đâu nhưng thực tế giá trị thương hiệu của Man United sẽ tăng lên khi hình ảnh của họ xuất hiện trên khắp thế giới. Đối tác của họ sẽ được hưởng lợi từ việc này và khi đó, giá trị của hợp đồng tự khắc sẽ được nâng lên.

Một chiến lược khôn ngoan khác của Man United là họ bắt tay với những thương hiệu không thật sự được biết đến rộng rãi nhưng đại diện và có chỗ đứng vững chắc tại một khu vực nhất định. Ví dụ như hai thương hiệu nước giải khát Wahaha ở Trung Quốc hay Kagome ở Nhật Bản. Những điều khoản tài chính của hai thương vụ này không được công khai nhằm giúp Man United giữ giá cả cạnh tranh ở những khu vực khác. Hay một vụ điển hình khác là hợp tác với Beeline Việt Nam.

Thậm chí Man United còn có thể kiếm được tiền ngay cả khi bản hợp đồng chưa có hiệu lực. Việc ký hợp đồng hợp tác với hãng xe Chevrolet của Mỹ bắt đầu từ năm 2014 là một ví dụ. Theo thỏa thuận thì trong năm đầu có hiệu lực- 2014 Man United sẽ thu về 44 triệu bảng và con số này sẽ đều đặn tăng 2,1%/năm đến tận năm 2021 với tổng giá trị lên đến 357 triệu bảng. Nhưng thực tế ở mùa này, Man United đã thu được 12 triệu để cái tên logo Chevrolet trên một số ghế ngồi ở sân Old Trafford.

Để đặt logo tại sân Old Trafford, hãng xe hơi khổng lồ Chevrolet phải trả đến 12 triệu bảng

Đây chỉ là một phần trong các gói tài trợ lớn mà Man United nhận được. Hãng bảo hiểm Aon của Mỹ trả 20 triệu bảng/năm để xuất hiện trên áo đấu chính thức của đội bóng. Hãng chuyển phát nhanh DHL trả cho Man United 10 triệu bảng/năm chỉ để xuất hiện trên áo tập. Thế nhưng, Man United vẫn chưa hài lòng. Mới đây họ đã mua lại hợp đồng này vì tin rằng có thể tìm kiếm một đối tác tốt hơn.

Hãng sản xuất dụng cụ, áo đấu thể thao NIKE hàng năm trả 25,4 triệu bảng nhưng Man United đang đàm phán để nâng giá trị hợp đồng lên. Hãng cá cược Bwin chi 2,4 triệu bảng/năm để đặt cửa hàng và dịch vụ cá cược tại Old Trafford; hãng Singha cung cấp 2 triệu bảng/năm để bán khoảng 20.000 chai bia mỗi khi Man United đá tại sân nhà…

Đó là chưa kể 14 đối tác riêng biệt của đội bóng, phần lớn là những công ty viễn thông chuyên cung cấp các đoạn video độc quyền về đội bóng trên điện thoại di động trên khắp thế giới. Man United mới đây đã quyết định mua lại 33% cổ phần của BskyB trong kênh MUTV để toàn quyền phân phối.

Không ít CĐV Man United có suy nghĩ giá trị của đội bóng suy giảm khi gắn với quá nhiều thương hiệu. Nhưng ở góc độ kinh tế, Man United là hình mẫu của việc kiếm tiền khôn ngoan mà ít đội bóng trên thế giới làm được. Vì thế, dù đang gánh khoản nợ lên đến 400 triệu bảng do nhà Glazer để lại thì Man United cũng không quá lo lắng.

David Chattaway, chuyên gia của Brand Finance nhận xét: "Trong tương lai, khi luật công bằng tài chính được áp dụng, các CLB sẽ phải kiếm tiền thông qua những bản hợp đồng thương mại, lĩnh vực mà MU đang đi tiên phong. MU có một chiến lược rất thông minh".

"Họ không làm ăn với những thương hiệu có vấn đề về danh tiếng hay yêu cầu sự hợp tác lâu dài mà hướng tới những thương hiệu nổi tiếng trong từng khu vực để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới, hay tiếp tục gần gũi với lượng cổ động viên đã gây dựng được. Juventus đang mải miết đi theo những thương hiệu lớn với những giá trị lớn, ngược lại hoàn toàn với MU. Còn Barca và Real lại đang đuổi theo đội bóng nước Anh trên con đường tìm kiếm lợi nhuận".

Những đối tác thương mại xuất hiện trên website của Man United:

AON: Nhà tài trợ áo đấu chính thức (20 triệu bảng/năm)

DHL: Nhà tài trợ áo phụ và các dịch vụ khác (10 triệu bảng/năm)

NIKE: Cung cấp áo đấu chính thức (25,4 triệu bảng/năm)

CHEVROLET: Cung cấp ô tô cho đội bóng (12 triệu bảng/năm)

SINGHA: Nhà tài trợ bia chính thức của đội bóng (2 triệu bảng/năm)

THOMAS COOK: Cung cấp các dịch vụ du lịch (1,3 triệu bảng/năm)

BWIN: Cung cấp game trực tuyến và cá cược (2,4 triệu bảng/năm)

CASILLERO DEL DIABLO: Cung cấp rượu vang cho đội bóng (2 triệu bảng/năm)

HUBLOT: Cung cấp đồng hồ và các thiết bị máy móc (4 triệu bảng/năm)