Công thức “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ: Chiến lược đúng phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xác định chỉ có vaccine phòng Covid-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường, Việt Nam đang tích cực triển khai trên thực tế chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine. Nhiều tín hiệu tích cực trong nỗ lực này của Việt Nam đã xuất hiện.
Bắc Giang tiến hành tiêm 150 nghìn liều vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp

Bắc Giang tiến hành tiêm 150 nghìn liều vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp

Huy động mọi nỗ lực để có sớm, có nhiều vaccine

Cuối tuần trước, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện thêm một loại vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là vaccine Comirnaty do hãng Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức) sản xuất. Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) là đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine. Cũng trong tuần trước, giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam có tên Nano Covax cũng chính thức được triển khai với sự tham gia của 1.000 người tình nguyện.

Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với các biến chủng mới của SARS-CoV-2, Việt Nam đã chuyển sang phương châm phòng, chống dịch “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ. Trong đó, “chiến lược vaccine” được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định. Thực tế thì ngay từ tháng 2-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp cận sớm nguồn vaccine phòng Covid-19 để tiêm miễn phí, bao phủ trên toàn dân.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ tư, khi số ca mắc tăng lên 3 con số mỗi ngày, Chính phủ đã chỉ đạo việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay, đồng thời gỡ bỏ hàng loạt khó khăn về cơ chế, thể chế, tạo điều kiện để có vaccine trong thời gian sớm nhất, nhất là không để bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức có nguồn mua vaccine ngay mà không mua về được.

Những thay đổi trong chủ trương cùng nỗ lực trên thực tế đã đem lại kết quả tích cực. Trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới còn hạn chế, Việt Nam đã đẩy mạnh việc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để làm sao có được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, đảm bảo tiêm cho khoảng 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ Y tế, đến nay đã có 128,9 triệu liều vaccine được các nhà cung cấp, các hãng cam kết, và từ tháng 8-2021, nguồn vaccine sẽ về nhiều.

Bên cạnh nỗ lực tìm nguồn cung từ bên ngoài, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước được coi là chủ trương có tính chiến lược để chủ động nguồn vaccine tiêm đại trà cho người dân trong những năm tiếp theo. Hiện, Việt Nam có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 đã đến bước thử nghiệm lâm sàng là Nanogen và IVAC. Trong đó, vaccine Nano Covax của Nanogen đang đến bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3; vaccine COVIVAC của IVAC chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Hy vọng vào cuối quý 3-2021, Việt Nam sẽ có lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên “Made in Vietnam” để tiêm cho người dân.

Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng chủ động được nguồn vaccine. Đến nay, chúng ta đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất vaccine của Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ tinh chất mRNA. Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. VABIOTECH cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7-2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Tiêm vaccine rồi vẫn phải thực hiện nghiên túc quy định 5K

Việc triển khai “chiến lược vaccine” của Việt Nam đang được đẩy nhanh và đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, vaccine đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chiến” với Covid-19 nhưng chưa phải là tất cả. Việc 53 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh đang là vấn đề mà dư luận rất quan tâm liên quan đến hiệu quả của vaccine.

Thực tế này cũng đang diễn ra với nhiều nước trên thế giới. Anh đã tiêm chủng cho hơn 40,7 triệu người, chiếm hơn 75% số người trưởng thành nước này, trong đó hơn 28,5 triệu người đã hoàn thành cả hai mũi vaccine, thế nhưng số ca mắc mới ở nước này đang tăng trở lại và đạt tới mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Hay như ở Nga, dù là nước đầu tiên trên thế giới công bố vaccine phòng Covid-19 Sputnik-V, nhưng Nga vừa phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế ở Thủ đô Matxcơva do tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi. Người dân Matxcơva sẽ có đợt nghỉ dài 9 ngày (từ 12 đến 20-6).

Vấn đề là bởi vaccine, cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90%, tối đa khoảng 95%. Như vậy, 100 người tiêm thì vẫn có 5-25 người có thể nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại virus sau khi tiêm. Các loại vaccine Covid-19 cũng đều mới xuất hiện và được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên khoa học chưa thể nắm bắt hết tác dụng của vaccine trong việc làm giảm khả năng nhiễm bệnh và lây truyền. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm chủng vaccine Covid-19 chỉ đạt khoảng 70-80%.

Thêm vào đó, virus SARS-CoV-2 lại biến đổi rất nhanh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, biến thể Anh của virus này lây nhanh hơn 1,7 lần so với biến thể trước đây, biến thể Ấn Độ lại còn lây nhanh hơn biến thể Anh 1,4 lần. Các nhà khoa học còn phải tiếp tục nghiên cứu xem các loại vaccine có hiệu lực thế nào với các biến thể virus SARS-CoV-2 như biến thể Ấn Độ, Anh.

Và dù có vaccine thì việc triển khai tiêm cũng đòi hỏi mất nhiều thời gian. Với Việt Nam, để đạt mục tiêu miên dịch cộng đồng trong năm 2021, từ nay đến cuối năm, ngoài nỗ lực phải có 150 triệu liều vaccine, chúng ta phải tiêm hết cho 75 triệu người. Theo thống kê, đến hết ngày 11-6, cả nước mới thực hiện tiêm hơn 1,44 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 53,1 nghìn người đã được tiêm đủ 2 mũi. Trong khi đó, thời gian hiệu lực của vaccine không phải là vô thời hạn, sẽ vẫn phải tiêm nhắc lại hàng năm, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Điều đó cho thấy, tìm mua vaccine vất vả nhưng mua được vaccine cũng chỉ mới là một nửa của mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chúng ta sẽ phải sẵn sàng cho việc chung sống lâu dài với virus SARS-CoV-2, bởi rất có thể virus này sẽ không biến mất mà trở thành mầm bệnh theo mùa. Vì vậy, dù đã được tiêm chủng đầy đủ thì mỗi người vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện 5K trong phòng, chống Covid-19 vẫn là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả.