Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ dân sinh: Nơi thì quản chặt, nơi lại thờ ơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không còn cảnh phải sử dụng phiếu đi chợ, thay vào đó khi các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội mở cửa tự do, người dân đến chợ chỉ cần khai báo y tế bằng cách ghi vào sổ hay quét mã QR trước cổng ra, vào chợ nhằm kiểm soát và truy vết kịp thời khi cần thiết là xong. Thế nhưng, nhiều người đến chợ lại “quên” mất việc này. Tuy nhiên, tình trạng này không phổ biến, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhiều chợ triển khai và người dân thực hiện rất nghiêm.

Nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội BQL và người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch nhưng nhiều chợ lại quản lý lỏng lẻo, người dân thì thờ ơ

Dễ như đi… chợ!

Nhiều chợ có tổ công tác thuộc Ban quản lý (BQL) chợ “canh” trước cổng, nhưng khi người dân vào chợ có người thì bị bắt thực hiện đúng theo quy định, có người thì lại được bỏ qua khiến cho công tác phòng, chống dịch rất dễ “đổ sông, đổ bể” nếu xảy ra chuyện không may.

Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, hầu hết hiện nay các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đều có quy định yêu cầu người dân đến chợ chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, có chợ được bố trí khá “hoành tráng”: barie, căng dây và có đến vài tấm bảng mã QR nhưng công tác kiểm soát lại lỏng lẻo để người dân ra vào một cách vô tư.

Chợ Thái Hà không có người gác, người dân vô tư ra vào

Chợ Thái Hà không có người gác, người dân vô tư ra vào

Điển hình như chợ Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội), nằm tại ngã ba phố Trần Quang Diệu – Đặng Tiến Đông. Ngày 2-10 phóng viên ANTĐ có mặt tại đây ghi nhận, dù cổng chính của chợ có bàn để nước sát khuẩn và bảng khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch cùng với bảng quét mã QR cho người dân đến chợ thực hiện việc quét mã khai báo y tế theo quy định nhưng hầu hết người dân trước khi vào chợ đều không thực hiện. Đã thế, chợ này có nhiều cổng phụ mở tự do, người dân dễ dàng ra vào chợ mà không hề gặp bất kỳ sự kiểm soát hay nhắc nhở nào của lực lượng chức năng.

Tương tự, tại địa bàn phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) vào sáng 3-10, hầu hết người dân vào chợ mua bán nhưng không hề khai báo y tế. Trước đó khoảng gần 3 tuần, tại chợ này người dân trong khu vực muốn vào chợ phải có phiếu đi chợ, cổng chính có người trực, kiểm soát nhưng phía hông chợ có cổng phụ thì người dân lại ra, vào tự do.

Tình trạng tại chợ Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long BIên cũng vậy

Tình trạng tại chợ Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long BIên cũng vậy

Chợ Hà Đông (nằm trên phố Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Trãi) là chợ lớn và khá nổi tiếng của khu vực này. Tại các cổng và cửa ra, vào chợ đều có tổ công tác túc trực, có bàn để nước sát khuẩn, sổ cho người dân trước khi vào chợ khai báo y tế hay bảng mã QR.

Thế nhưng, dù có đầy đủ “ban bệ” là thế nhưng cách quản lý lại lỏng lẻo, không hề hiệu quả nếu xảy ra chuyện bất trắc, có người vào chợ thì được tổ công tác yêu cầu khai báo đầy đủ, có người ra, vào lại không hề bị nhắc nhở. Cổng chính là thế còn cổng phụ thì tệ hại hơn, bỏ mặc tự do. Phải chăng, việc bố trí các tổ công tác, các vật dụng và quy định đối với người dân vào chợ này chỉ là hình thức? Đúng là dễ như đi… chợ!

Các cửa chợ Hà Đông đều có người kiểm soát nhưng làm rất "hình thức": người được yêu cầu khai báo y tế, người thì không
Các cửa chợ Hà Đông đều có người kiểm soát nhưng làm rất "hình thức": người được yêu cầu khai báo y tế, người thì không

Không chỉ các chợ dân sinh nói trên, ngay cả khu chợ bán cây cảnh và đồ cũ nằm trong khu phân lô giáp ngã tư Vạn Phúc – Tố Hữu (thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) hàng ngày có rất nhiều người đến đây "họp chợ". Các quán nước trong khu chợ này luôn là điểm để những khách tứ xứ có cùng sở thích mê cây cảnh, “săn” đồ cổ ngồi uống nước bàn luận về các món đồ mình đang sưu tầm hay sở hữu.

Tuy nhiên, trong khi nhiều chợ dân sinh hay chợ tự phát phòng chống dịch Covid-19 kiểu đối phó như nêu trên thì ngược lại, một số chợ hoạt động khá quy củ, công tác kiểm soát người dân đến chợ rất chặt chẽ.

Nhiều người vô tư ngồi "chém gió" trong khu chợ cây và khu đồ cũ tại chợ phát sinh thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông

Nhiều người vô tư ngồi "chém gió" trong khu chợ cây và khu đồ cũ tại chợ phát sinh thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông

Quan trọng là ý thức người dân

Điển hình, tại chợ Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội). Thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội theo chỉ đạo của thành phố, người dân ra vào chợ tự do nhưng vẫn được chính quyền, BQL chợ kiểm soát chặt chẽ, khai báo y tế nghiêm ngặt.

Bà Nguyễn Thị Hiền (phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thuỵ) cho biết, "việc chính quyền và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ như thế này khiến cho người dân chúng tôi đến chợ cũng yên tâm hơn vì thông tin những người đến chợ đều được lưu giữ đầy đủ. Đối với người dân chúng tôi, dù ở nhà hay đến chợ luôn cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ, UBND thành phố đề ra".

Tại chợ Thành Công, quận Ba Đình người dân vào chợ đều được BQL hướng dẫn khai báo y tế đầy đủ

Tại chợ Thành Công, quận Ba Đình người dân vào chợ đều được BQL hướng dẫn khai báo y tế đầy đủ

“Chỉ cần mỗi người có ý thức một tý thì chính quyền và cơ quan chức năng cũng sẽ nhàn hơn. Theo tôi, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân cần phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Việc mỗi người dân nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch sẽ là điều rất quan trọng và tiên quyết dẫn đến thành công đẩy lùi dịch bệnh. Chính vì thế, khi đến chợ hay các địa điểm người dân cần phải khai báo y tế đầy đủ”, bà Hiền chia sẻ.

Còn tại địa bàn quận Ba Đình, chợ Thành Công là chợ duy nhất hoạt động bình thường từ đầu dịch, trong khi đó các chợ đầu mối hay một số chợ dân sinh lớn trên địa bàn quận Ba Đình đều từng tạm dừng hoạt động vì có trường hợp F0 (dương tính với SARS – CoV 2).

Những trường hợp đến chợ Thành Công không sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR thì trực tiếp khai báo tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại vào sổ

Những trường hợp đến chợ Thành Công không sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR thì trực tiếp khai báo tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại vào sổ

Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ vào sáng 3-10, tại các cổng ra, vào chợ Thành Công ngoài việc căng dây, dựng hàng rào bố trí lối đi ra, vào chợ khá thuận tiện cho người dân thì BQL chợ cũng bố trí bàn có nước sát khuẩn, sổ ghi chép hay bảng mã QR để người dân quét mã khai báo y tế thay vì phải mất nhiều thời gian ghi sổ. Ngoài ra, tại các cửa ra, vào chợ luôn có 1 bảo vệ và 1 cán bộ của BQL chợ có mặt hướng dẫn người dân thực hiện việc khai báo y tế trước khi vào chợ.

Ông Hoàng Đình Thanh, Trưởng BQL chợ Thành Công cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, BQL chợ đã xây dựng và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố và quận. Các kế hoạch và quy định phòng, chống dịch được BQL chợ thực hiện nghiêm túc.

Trong quá trình hoạt động, BQL chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh và người dân nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia hoạt động tại chợ. Đến thời điểm này chợ vẫn “an toàn”.

Đa số người dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR khi vào chợ Thành Công

Đa số người dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR khi vào chợ Thành Công

“Để đảm bảo đúng quy định, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan cấp trên về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong tình hình mới hiện nay, BQL chợ phối hợp chặt chẽ với UBND phường, Công an phường Thành Công và cơ quan chức năng trong việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn chợ đảm bảo tuyệt đối về ANTT, PCCC, vệ sinh ATTTP… Hiện 100% các viên chức, người lao động của BQL chợ và người bán hàng tại chợ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Còn lại đa số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine”, ông Thanh thông tin thêm.

Ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, chợ Thành Công được biết đến là một chợ lớn nằm trên địa bàn phường và của khu vực xung quanh. Trong khi các đợt dịch Covid-19 bùng phát nhưng chợ vẫn được kiểm soát và hoạt động bình thường.

"Để đảm bảo hoạt động của chợ được thông suốt, UBND phường cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp và triển khai các kế hoạch theo từng giai đoạn, tình hình mới một cách linh động cho phù hợp để tiểu thương và người dân đến chợ hoạt động được thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo đủ các tiêu chí, quy định phòng, chống dịch Covid-19”, ông Ngô Ngọc Lâm chia sẻ.