Công sở uể oải ngày làm việc đầu năm

ANTĐ - Hoạt động phần lớn là gặp gỡ chúc tụng, rồi chị em thì rủ nhau đi lễ chùa, trong khi cánh nam giới đợi đến trưa để…nhậu.

Nhiều công sở tấp nập nhân viên, nhưng hoạt động chủ yếu là chúc tụng đầu xuân
(Ảnh minh họa)

Nơi ngập tràn lời chúc tụng…

Ngày 30-1 (mùng 8 Tết Nhâm Thìn), ngày làm việc đầu tiên theo quy định Nhà nước, văn phòng công ty TNHH Xây dựng Hoàng Anh (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) nhộn nhịp bước chân ra vào của các nhân viên, cả nam lẫn nữ. Những cái bắt tay, những lời chúc tụng…được thực hiện ngay bên chậu quất cảnh cỡ lớn, nhấp nháy đèn xanh đỏ. Anh Hoàng- Phó giám đốc công ty này vui vẻ: Ngày đầu năm mà, để cho anh chị em tranh thủ gặp gỡ. Ban lãnh đạo công ty chút nữa cũng đi gặp gỡ các đối tác nhân dịp đầu xuân. Do đặc thù của ngành xây dựng, đầu năm cũng không có nhiều hợp đồng, mà thường tập trung vào dịp giữa và cuối năm, nên chúng tôi cũng rảnh.

Tết năm nay được nghỉ khá dài, nhưng dường như đã thành lệ, ngày đầu năm đi làm, không khí Tết vẫn kéo từ nhà riêng đến công sở. 10h sáng, sau buổi gặp gỡ đầu xuân của ban giám đốc, chị Hạnh- nữ nhân viên văn phòng của một công ty sản xuất giày dép trên phố Thụy Khuê, cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng có mặt tại đền Quán Thánh, đi lễ đầu năm. Mới chỉ trước đó khoảng 2 tiếng, bãi xe của văn phòng công ty này vốn đầy chật xe máy, giờ đã vãn. “Mấy ông nam giới cũng rủ nhau đi nhậu đầu xuân rồi, chí ít cũng phải 2h30-3h chiều mọi người mới về văn phòng”- chị Hạnh nói.

Đi lễ chùa đầu năm là việc mà nhiều nữ nhân viên văn phòng nghĩ tới hôm nay (30-1)

Trước cửa Văn phòng công chứng Thăng Long (phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng) như thường lệ các năm, có một chậu đào thắm khá to, đặt chếch bên phải. Sau lớp cửa kính, thấy có khá đông người, những tưởng mới đầu năm đã có nhiều người cần đến công chứng. Nhìn kỹ thì hóa ra hầu hết toàn là nhân viên văn phòng, đang gặp gỡ, chúc tết đầu xuân. Cách đó không xa, trước cửa tòa nhà hỗn hợp trên phố Quang Trung, nhốn nháo nhiều ô tô, xe máy của lãnh đạo và nhân viên các công ty đặt văn phòng tại đây, chờ đợi, rủ nhau đi ăn trưa. Từ trong tòa nhà, tiếng loa vẫn vẳng ra giai điệu của bài hát “Happy new year” quen thuộc.

Vào văn phòng công ty TNHH công nghệ Huy Đức (phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình), thấy mớ thiết bị y tế mẫu vốn để trưng bày, đã được dọn gọn vào một góc. Ở chính giữa văn phòng là một chiếc bàn kính, bên trên đầy những ly rượu vang uống dở, vỏ hạt dưa hạt bí….sự có mặt của khách lạ bỗng trở nên thực sự vô duyên.

Không chỉ uể oải, làm việc lấy lệ ngày đầu xuân, nhiều văn phòng, trụ sở công ty thậm chí còn chưa mở vào hôm nay. Rảo qua một loạt các tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng…. đều dễ thấy cảnh cửa đóng then cài này.

…Nơi làm việc “hùng hục”

Ngược lại với cảnh nhàn hạ đầu năm của một số công sở, nhiều đơn vị, đặc biệt những nơi mang tính “phục vụ” như các bệnh viện, nhà ga, bến xe… các nhân viên đã phải ngay lập tức bắt tay vào công việc, thậm chí từ trước đó, và cả xuyên Tết.

Các nhân viên của ga Hà Nội đã phải hoạt động tích cực ngay từ trước Tết

Gần trưa ngày 30-1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức đã đông người. Bóng blue trắng của các y-bác sỹ lướt qua lướt lại giữa các bệnh nhân và người nhà. Khỏi cần nói, ai cũng biết hoạt động của họ là xuyên qua Tết, gần như không có khái niệm nghỉ ngơi. Dịp trong và ngoài Tết là thời điểm mà các vụ tai nạn giao thông gia tăng. Phần lớn có nguyên nhân từ rượu bia, mức độ chấn thương cũng nặng hơn, do đường vắng nên nhiều nạn nhân phóng nhanh, vượt ẩu. Sâu hơn bên trong bệnh viện, nơi có các khoa điều trị chuyên ngành, mọi hoạt động diễn ra hết sức bình thường. Có đến hàng trăm bệnh nhân được điều trị ở đây từ trong tết, vì thế các y- bác sỹ phải thay nhau trực trong dịp Tết, và khẩn trương trở lại công việc vào đúng ngày quy định.

 

Hành khách đường dài chờ và mua vé tại bến xe phía Nam

Chạy ngược về ga Hà Nội, không khí Tết vẫn còn hiển hiện ở hai tấm băng-rôn cỡ lớn, chăng ngoài mặt tiền sảnh, hướng về phía phố Trần Hưng Đạo. Bên trong, các quầy bán vé, thu ngân…đã hoạt động hết công suất, đảm bảo lịch trình chạy tàu, phục vụ hàng vạn người di chuyển ra Bắc, vào Nam. Tương tự là cảnh tượng ở bến xe phía Nam, do đặc thù, trước và sau Tết đều là thời gian cao điểm người dân di chuyển từ Hà Nội- về quê và ngược lại, nên từ ban giám đốc, nhân viên văn phòng, đến nhân viên bán vé nơi đây đều phải làm việc cật lực.