Công nhân tạm nghỉ việc không lương do dịch có được nhận tiền hỗ trợ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện thoại đến "Đường dây nóng" Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi: Nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 có bị mất thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công nhân tạm nghỉ việc không lương do dịch có được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19, làm giúp việc gia đình tại Hà Nội được hỗ trợ theo chính sách nào?

Theo Nghị quyết 116/NQ-CP, người lao động (NLĐ) được hỗ trợ bằng tiền mặt từ quỹ BHTN gồm: Người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Về nguyên tắc, thời gian đóng BHTN chỉ mất đi khi NLĐ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013. Mặt khác, chính sách hỗ trợ ở Nghị quyết 116/NQ-CP là chính sách hỗ trợ độc lập với chính sách hưởng BHTN được quy định ở Luật Việc làm 2013. Do đó, việc NLĐ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không ảnh hưởng, mất đi thời gian đã tham gia BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều người lao động đã được nhân hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Nhiều người lao động đã được nhân hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Về những trường hợp tạm nghỉ việc không lương do dịch, Điều 13 Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương như sau:

“Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trong thời gian này.

Bên cạnh đó, những đối tượng này phải đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Đối với giúp việc gia đình, Khoản 1 Điều 161, Khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại; người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Căn cứ quy định này, trường hợp có đầy đủ các điều kiện trên (phải có giao kết hợp đồng lao động) không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, theo Văn bản 1371/MTTQ-BTT của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, những trường hợp này cũng không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, với cá nhân thực hiện công việc giúp việc theo giờ là công việc không thường xuyên trong một gia đình thì được coi là tự làm và được hỗ trợ nếu đáp ứng các quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.