Công nhân no bụng, đói chất

ANTĐ - Trong khi tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở các thành phố lớn thì tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), tình hình lạm phát kinh tế dường như đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và bữa ăn của hàng triệu công nhân. Dinh dưỡng thiếu, khẩu phần ăn mất cân đối đang khiến cho sức khỏe công nhân bị bào mòn. 

Đảm bảo khẩu phần ăn của công nhân để có sức khỏe, nâng cao hiệu suất lao động

Ảnh: PHÚ KHÁNH

Đủ ăn nhưng thiếu chất!

Mới đây, kiểm tra bếp ăn tập thể của Công ty Panasonic Việt Nam ở KCN Bắc Thăng Long, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP thành phố Hà Nội rất phấn khởi khi nhà máy đầu tư một hệ thống bếp ăn hiện đại, đặc biệt còn áp dụng mô hình cho phép 2 doanh nghiệp cùng cung cấp suất ăn để tạo tính cạnh tranh. Hơn 2.000 suất ăn mỗi ngày, mỗi suất có giá 17.000 đồng mà nhà máy Panasonic đang cung cấp cho công nhân, trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay mới chỉ đảm bảo được lượng dinh dưỡng tương đối cho người lao động. Dẫu vậy, đây vẫn là mơ ước của phần lớn công nhân trong các KCN-KCX ở Hà Nội cũng như trên cả nước.

Anh Nguyễn Văn Minh, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long cho biết, do giá cả leo thang, công nhân “kêu” rất nhiều nên gần đây công ty mới quyết định nâng suất ăn cho người lao động lên 18.000 đồng/ bữa chính. Nhờ đó, công nhân đã được “ăn no” hơn, còn về “chất”, dinh dưỡng đủ hay thiếu thì chẳng công nhân nào dám đòi hỏi. Anh Minh chia sẻ: “bình quân lương công nhân trong công ty tôi hiện khoảng 3 triệu đồng/tháng, song chỉ tính riêng từ tháng 8 đến nay, khu nhà trọ nào cũng tăng giá, rồi giá xăng tăng 3 lần, giá gas tăng vọt lên hơn 500.000 đồng/bình 12kg, giá lương thực, thực phẩm ngoài chợ cũng tăng theo chóng mặt khiến công nhân sa sầm mặt mày. Với 3 triệu đồng/ tháng, muốn để dành được một chút tiết kiệm, chẳng còn cách nào khác là phải giảm chi tiêu và… giảm ăn. Công nhân nam có thể còn phóng tay hơn một chút chứ với công nhân nữ trong khu trọ của tôi, bữa ăn hàng ngày vốn đã nghèo nàn lại càng teo tóp đi trông thấy, thậm chí có người còn tự cắt luôn tiền ăn sáng”.

Thực trạng này phần nào được lột tả qua một cuộc khảo sát bữa ăn công nhân do Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa thực hiện tại một số KCN-KCX ở phía Nam. Cuộc khảo sát chỉ ra, khẩu phần ăn của công nhân tại các điểm khảo sát chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng, đối với lao động nam chỉ đáp ứng khoảng 90%, còn lao động nữ (ở các ngành nghề lao động nhẹ) chỉ mới đáp ứng được 77%. 

Sức lực bị bào mòn

Tại hội thảo xây dựng lời khuyên dinh dưỡng hợp lý do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức ngày 19 và 20-9, một chuyên gia về dinh dưỡng của Hà Nội cho biết, các chủ sử dụng lao động đều ý thức được rằng, công nhân có khỏe thì hiệu quả lao động mới cao và việc đầu tư cho bữa ăn của công nhân là một phần rất quan trọng. Thế nhưng từ ý thức đến việc làm lại là một khoảng cách rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ như hiện nay. Mặt khác, không ít chủ sử dụng lao động chỉ quan tâm đến việc duyệt bao nhiêu tiền một suất ăn cho công nhân, rồi phó mặc cho cấp dưới hoặc đơn vị cung cấp suất ăn, không quản lý chặt, dẫn đến hiện tượng đơn vị, doanh nghiệp cung cấp suất ăn tìm cách “bào mòn” thêm từ khẩu phần ăn vốn đã nghèo nàn của công nhân. 

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% protein (chất đạm), 16% chất béo, còn lại là các chất bột đường như gạo, ngô, khoai… nghĩa là các bữa ăn của công nhân chỉ hướng đến đáp ứng chỉ tiêu “no bụng” chứ chưa quan tâm đến chất. Bà Mai cho rằng, việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực. Đặc biệt với công nhân nữ lứa tuổi 18-25, việc thiếu dinh dưỡng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nòi giống bởi khi người mẹ thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, gây thiếu máu, sinh con nhẹ cân, kém phát triển. 

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, TS. Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, không chỉ là khẩu phần ăn mà việc đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn tập thể dành cho công nhân trước nay vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều mối bất an. Theo thống kê của Cục ATVSTP, trong 5 năm gần đây, toàn quốc có 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 ca nhập viện, 229 người tử vong, trong đó tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm từ 12-20,6%. Hiện Viện Dinh dưỡng đang phối hợp với Cục ATVSTP tiến hành khảo sát, nghiên cứu tổng thể tình hình đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các KCN-KCX trên diện rộng.

Tin cùng chuyên mục