Công nhân chật vật tìm chỗ trọ

ANTĐ - “Nhà ở cho công nhân còn thiếu thốn, chật chội”. Thực trạng trên được đưa ra tại báo cáo “Nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố ngày 1-7. 

Công nhân chật vật tìm chỗ trọ ảnh 1Ký túc xá của công nhân Samsung sạch sẽ, thoáng mát

Lương thấp, không đủ tiền thuê ký túc xá 

Theo ông Ngô Chí Hùng - Phó ban quản lý KCN, Khu chế xuất Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 140.000 công nhân. Trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu nhà ở cho công nhân trên địa bàn thành phố rất bức xúc. Tuy nhiên, dù một số khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng số người vào thuê rất thấp. Điển hình như KCN Thăng Long, khả năng cung ứng nhà ở có thể đáp ứng được cho 23.000 công nhân, nhưng hiện mới chỉ có 5.000 - 6.000 người lao động vào ở do không đủ tiền chi trả khoản thuê nhà.

Trên địa bàn thành phố hiện có 3 mô hình xây nhà ở cho công nhân, gồm: Nhà nước đầu tư xây dựng, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư và doanh nghiệp FDI đầu tư xây dựng. Mức hỗ trợ của doanh nghiệp cho công nhân thuê nhà ở cao nhất chỉ là 150.000 đồng/tháng. 

Dẫn kết quả khảo sát mới nhất về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay là gần 4 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như: ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu khác.

Trong khi đó, các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định và số còn lại vẫn phải đi thuê chỗ ở tạm của người dân với giá 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ này hầu hết đều chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Chưa kể, hầu hết các khu nhà trọ này thiếu hạ tầng xã hội thiết yếu như: nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi… 

Theo ông Kenichi Hashimoto - Trưởng đoàn nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA về cải thiện môi trường sống cho công nhân các KCN tại Việt Nam, một lý do khác khiến các khu ký túc xá của doanh nghiệp không thu hút được công nhân vào ở là do vị trí không phù hợp, vượt quá khả năng chi trả của công nhân và nội quy sinh hoạt quá khắt khe. 

Doanh nghiệp phải có nhà ở cho công nhân

Theo đại diện JICA, nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam đã quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp KCN, doanh nghiệp kinh doanh nhà ở trong xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thuê hoặc mua. Cụ thể, các chủ đầu tư này phải đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu của công nhân; dành 20% quỹ nhà dự án để làm nhà ở xã hội… Tuy nhiên, thực tế triển khai các quy định này như thế nào vẫn chưa có đánh giá toàn diện. “Sự đình trệ trong cải thiện môi trường sống khiến công nhân thường xuyên bỏ việc có thể ảnh hưởng tới thị trường việc làm và việc đào tạo lực lượng lao động lành nghề, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các nước láng giềng”- đại diện JICA nhấn mạnh.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2016-2020, khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Ông Dương Văn Hùng - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tới đây, cần luật hóa quy định doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phải đầu tư nhà ở cho công nhân như mô hình của Samsung.

“Các doanh nghiệp này không thể chỉ vào khai thác nhân công một chiều mà cũng phải đáp ứng các quyền tối thiểu của công nhân. Dựa trên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp để quy định doanh nghiệp trích ra một phần để đầu tư vào hạ tầng nhà ở cho công nhân. Nghị định về KCN và Khu chế xuất sắp ban hành nhất thiết phải quy định về việc này. ”- ông Dương Văn Hùng nói.