Công nghệ giúp “giải quyết” núi rác thải nhựa khổng lồ của đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 đã thải ra một khối lượng rác thải nhựa y tế khổng lồ, từ khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ dùng một lần… gây ô nhiễm nghiêm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm đất và biển. Kinh hoàng trước hàng tấn rác thải do đại dịch tạo ra, các doanh nhân đã phát triển loại thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) có thể tái sử dụng, tạo ra gạch, hộp công cụ… từ những loại rác thải nhựa y tế này.
Một nhân viên y tế ở Mexico mặc bộ đồ PPE có thể tái sử dụng do MEDU Protection sản xuất

Một nhân viên y tế ở Mexico mặc bộ đồ PPE có thể tái sử dụng do MEDU Protection sản xuất

Thiết bị bảo hộ cá nhân tái chế gắn mã QR

Tamara Chayo - một doanh nhân trẻ ở Mexico đã phát minh ra một loạt sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân PPE có thể tái sử dụng với hy vọng sẽ giúp ngăn chặn hàng tấn đồ bảo hộ y tế sử dụng một lần chất đống tại các bãi rác, trong lò đốt rác và các dòng sông, đồng thời, giúp tiết kiệm ngân sách cho các bệnh viện. Tamara Chayo cho biết, PPE dùng một lần không chỉ gây hủy hoại môi trường mà còn có thể lây lan dịch bệnh vì virus tồn tại đến 3 ngày trên bề mặt nhựa. Đây cũng là điều đáng lo ngại ở những quốc gia mà tình trạng quản lý chất thải y tế còn kém. “Hầu hết các thành viên trong gia đình tôi là bác sĩ và y tá. Họ nghĩ rằng công việc của họ là cứu tính mạng con người, nhưng lại không cứu được hành tinh này. Và nếu mọi thứ bị vứt bỏ, chúng có thể gây ra thêm bệnh tật, điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt” - Tamara Chayo nói.

Tamara Chayo là một sinh viên kỹ thuật hóa học, năm nay mới 21 tuổi, đã đồng sáng lập công ty MEDU Protection từ giữa năm 2020 với mục đích phát triển các sản phẩm PPE để bảo vệ các nhân viên y tế trong quá trình điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thời điểm đó, các sản phẩm này rất khan hiếm. Sản phẩm của MEDU Protection được làm từ một loại sợi tương tự như lớp phủ trên các bề mặt trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu virus.

Chayo cho biết, mỗi bác sĩ có thể phải cần đến 4 bộ quần áo bảo hộ mỗi ngày, trong khi các bộ PPE của công ty cô có thể sử dụng cả ngày và giặt 50 lần mà không mất đi tính năng bảo vệ của nó. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi bộ quần áo giúp giảm 200 món đồ nhựa bị vứt ra các bãi rác hay đưa vào lò đốt rác. “Tôi thực sự vui mừng về điều này. Chúng tôi không chỉ sản xuất quần áo y tế, mà còn muốn tạo ra một phong trào để cho ngành y tế ngày một xanh hơn” - Chayo nói.

Những thiết bị bảo hộ cá nhân của MEDU được sử dụng công nghệ mã QR, thông báo cho nhân viên y tế, thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh, về số lần nó đã được giặt. Sau 50 lần mặc, các PPE được trả lại cho MEDU để khử trùng và lại tái sử dụng thành túi đóng gói sản phẩm. Chayo cho biết, cô dự định mở rộng sản xuất sang Mỹ và Pháp, hy vọng bộ đồ bảo hộ tái sử dụng của mình có thể giúp giảm 90% chi phí cho PPE hiện nay ở các bệnh viện.

PPE “giải cứu hành tinh”

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 này, mỗi tháng có khoảng 129 tỷ chiếc khẩu trang dùng một lần, chủ yếu được làm từ sợi vi nhựa và 65 tỷ găng tay dùng một lần đã được sử dụng. Liên hợp quốc ước tính khoảng 75% lượng rác thải nhựa do đại dịch Covid-19 tạo ra, bao gồm rác thải y tế và các loại bao bì từ việc giao hàng tại nhà trong quá trình phong tỏa có khả năng sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc đổ ra biển. Việc sản xuất đồ nhựa dùng một lần đến nhiên liệu hóa thạch và việc đốt rác thải nhựa này cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu.

Tại nước Anh, anh Tom Dawson, người sáng lập Công ty Revolution - ZERO cũng đã phát triển một loạt PPE “giải cứu hành tinh”. Tom Dawson cho biết, đại dịch đã đảo ngược tiến bộ gần đây trong nỗ lực giảm sử dụng đồ nhựa. Trong khi mọi người rất quan tâm đến PPE tái sử dụng, nhưng cũng có nhiều trở ngại trong việc áp dụng.

Khi đại dịch xảy ra, nhiều chính phủ đã tích trữ PPE sử dụng một lần để cung cấp miễn phí, đồng nghĩa với việc các bệnh viện không có động lực về mặt kinh tế để mua các sản phẩm PPE tái sử dụng. Một vấn đề khác là khi các bệnh viện chuyển sang sử dụng các loại PPE dùng một lần, thì không cần phải sử dụng tới các dịch vụ giặt đồ bảo hộ y tế.

Từ Anh tới Ấn Độ, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tái chế PPE nhựa, biến chúng thành mọi thứ, từ hộp đựng đồ đến gạch nhựa. Tại xứ Wales, tập đoàn Thermal Compaction Group (TCG) đã chế tạo ra loại máy có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh lớn để nấu chảy găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ, mũ chùm tóc, tấm ngăn y tế và tái chế thành gạch. Nhựa có thể được sử dụng để sản xuất bất kỳ thứ gì, từ ghế học sinh đến sợi in 3D và chỉ may. Mat Rapson - Giám đốc điều hành của TCG cho biết: “Những thứ vốn được chỉ định là sản phẩm sử dụng một lần đã được biến thành sản phẩm sử dụng nhiều lần. Cứ 10.000kg sản phẩm nhựa được tái chế là giảm được khoảng 6.500kg khí thải CO2, chủ yếu nhờ việc giảm vận tải và đốt rác”. Nhiệt độ trong máy của TCG đều trên 300 độ C, đủ để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 và các mầm bệnh khác. Hiện 5 bệnh viện ở Anh đã bắt đầu sử dụng máy với đơn hàng ngày càng nhiều hơn. TCG cũng đang liên lạc với các nhà phân phối ở Canada, Ausrtralia và Hungary và các quốc gia khác để cung cấp sản phẩm.

Người tái chế của Ấn Độ

Trong khi đó, tại Ấn Độ, anh Binish Desai, 27 tuổi, nhà sáng lập công ty Eco-Eclectic Technologies, cũng biến PPE thành một loại gạch xám và tấm panel xây dựng để xây nhà và trường học với giá thành thấp. Desai đã bắt đầu chế tạo gạch từ rác thải nhựa từ khi còn là một thiếu niên và đã sáng tạo ra một loại gạch mới từ khẩu trang đã được khử trùng và cắt nhỏ cũng như các sản phẩm PPE kết hợp với dây và giấy thải nghiền vụn. Một số khẩu trang được thu thập từ các “thùng rác sinh thái” đặt tại bệnh viện, nhà hàng và nhiều nơi công cộng Binish Desai, người được biết đến với “người tái chế của Ấn Độ” và câu chuyện về anh đã được một công ty sản xuất phim lớn của Ấn Độ đưa lên màn ảnh. Anh cho biết loại gạch được làm từ nhựa thải này có độ cứng gấp 3 lần gạch làm từ đất, có kích cỡ gấp đôi trong khi chi phí chỉ bằng một nửa.

Desai cho biết, công ty đang hướng đến xuất khẩu sang Anh, Mỹ, Canada và Brazil. Ban đầu, Desai định xuất khẩu gạch sang Brazil nhưng sau đó muốn xây dựng một nhà máy ở đây để xử lý rác thải tại chỗ. “Thay vì có một nhà máy lớn, chúng tôi có nhiều nhà máy trên khắp Ấn Độ để tạo công ăn việc làm tại địa phương cũng như tái chế rác thải địa phương” - Desai nói và bày tỏ tin tưởng rằng, với với truyền thống tái chế và văn hóa vứt bỏ ít được thiết lập hơn nhiều nước phương Tây - có thể trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ không chất thải. Đại dịch đã khiến chúng ta nhận thức rõ hơn về lượng rác thải mà chúng ta đang tạo ra cũng như tác động của nó đến môi trường sống của chính chúng ta.