Công nghệ chống tắc đường tương lai

ANTĐ - Xa lộ không còn nạn kẹt xe, hiếm khi xảy ra tai nạn trên đường phố - một công nghệ mới hoàn toàn có thể giải quyết tình trạng này, khiến giao thông ở các thành phố lớn thuận tiện và an toàn hơn. Đó là sử dụng 
Internet không dây cho phép các xe ô tô đang lưu thông liên kết với nhau nhằm tăng hiệu suất sử dụng và cảnh báo sớm.

Chiếc xe được lắp đặt bộ phận truyền phát dữ liệu trong dự án SIMTD của Đức

Mô phỏng “đám mây cá”

Trong tương lai không xa, chiếc xe ô tô của chúng ta sẽ biết trên đường đoạn nào mấp mô mặt đường xấu, khu vực nào đang có mưa, khúc ngoặt tiếp theo có bị tắc đường hay không… Ngay lập tức, nó sẽ cảnh báo người lái xe về những nguy cơ gần kề, nhanh hơn và chính xác hơn so với các chương trình hỗ trợ trên đài phát thanh hiện nay. Điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực với việc áp dụng công nghệ Internet không dây, kết nối xe ô tô với mạng lưới biển báo, đèn giao thông, rào chắn xây dựng…

Để dễ hình dung hơn, chúng ta có thể liên tưởng đến đàn cá khổng lồ dưới đại dương. Với số lượng có lúc lên tới cả chục nghìn con nhưng những “đám mây” cá này vẫn di chuyển với tốc độ cực nhanh, chính xác mà không cá thể nào xảy ra va chạm. Những loài động vật thông minh sống trong bầy đàn của mình cũng có hành vi tương tự, tất nhiên phải qua quá trình tiến hóa mất hàng nghìn năm. Chúng phản ứng đồng thời: Tăng tốc, dừng lại hoặc thay đổi hướng di chuyển cùng lúc. “Động vật hợp tác với nhau vì lợi ích cộng đồng của chúng, còn tiếc rằng những chiếc xe của chúng ta lại không làm được điều đó”, Michael Schreckenberg, nhà vật lý và chuyên gia nghiên cứu giao thông tại Đại học Duisburg-Essen, Đức so sánh như vậy. 

Xuất phát từ ý tưởng đó, công trình nghiên cứu của Schreckenberg và các đồng nghiệp đã được thực hiện từ năm 2009 và sơ kết tại Frankfurt trung tuần tháng 6 vừa rồi. Đáng chú ý là công nghệ liên kết mạng xe hơi lưu thông trên đường không phải là mới, nhưng đến nay mới chỉ được lắp đặt khoảng 5% số xe hơi trên toàn thế giới. 

Phổ biến trong 12-15 năm nữa

Dự án nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn giao thông ở Đức gọi tắt là SIMTD này đã thu hút sự quan tâm hỗ trợ tài chính của một số hãng xe, các nhà cung cấp linh kiện cũng như các công ty truyền thông, viện nghiên cứu, trường đại học và một số bộ ngành của chính phủ. Năm 2012, một đội xe sử dụng công nghệ Car-to-X (tạm dịch: Xe hơi nội mạng) xuống đường để thử nghiệm trong điều kiện thực. 120 chiếc xe hơi, 3 xe máy phân bố trên quãng đường 1,6 triệu km, cung cấp và thu thập dữ liệu, tất cả đều sử dụng cùng một công nghệ - điều kiện tiên quyết để hệ thống phát triển hiệu quả. Thành phần có sự góp mặt xe của các hãng BMW, Volkswagen, Mercedes, Opel và Ford.

Hệ thống cảm biến trên xe hơi và bên lề đường liên tục gửi dữ liệu về lưu lượng giao thông và thời tiết thông qua mạng không dây đến một trạm kiểm soát, ở đó dữ liệu nhanh chóng được phân tích và truyền ngược lại. Nguy cơ xảy ra tai nạn có thể được giảm thiểu bởi máy tính của xe đã cảnh báo trước lái xe, dựa trên thông tin được truyền từ những xe đi phía trước. “Công nghệ này còn làm cho xe “nói chuyện” được với đèn giao thông, biết bao lâu thì đến đèn đỏ để điều chỉnh tốc độ phù hợp, từ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn”, ông Michael 

Schreckenberg nói. 

Nhà nghiên cứu giao thông người Đức này cho biết, Car-to-X sẽ là công nghệ thông thường trong tương lai, nhưng có thể phải mất 12 đến 15 năm nữa mới phổ biến. Nhưng mục tiêu đó muốn đạt được cần đến sự đồng thuận của các nhà hoạch định chính sách cùng nhiều hãng sản xuất ô tô. Hiện nay, các hãng sản xuất đang vật lộn để duy trì doanh số bán xe, nên đầu tư cho công nghệ mới sẽ là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đòi hỏi sự vào cuộc của nhà chức trách để trang bị cảm biến tại hệ thống biển báo, đèn giao thông. Được biết, hãng Mercedes dự kiến năm nay sẽ cài đặt công nghệ an toàn mới cho phép các dòng xe của hãng có thể nhận biết và giao tiếp với nhau khi lưu thông trên đường.