Công khai và công bằng

ANTĐ - Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Bộ Tài nguyên-Môi trường đang xây dựng 4 dự thảo Nghị định thi hành luật này để trình Chính phủ ban hành kịp thời khi luật có hiệu lực. Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và dự thảo Nghị định quy định về giá đất, vừa được Bộ này phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, những bức xúc cần phải được làm rõ trong Nghị định là việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất khi bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Hỗ trợ đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất ở, quy định suất tái định cư tối thiểu. Bên cạnh đó, cần làm rõ các quy định về phương pháp định giá đất, khung giá, bảng giá. Trường hợp đất nông nghiệp vượt hạn mức do nhận chuyển quyền sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, thì Nghị định quy định giao cho từng địa phương đưa ra mức hỗ trợ. Như vậy, nếu không có mức quy định khung thì mỗi tỉnh sẽ “tùy nghi” đưa ra một mức hỗ trợ riêng.

Tại kỳ họp Quốc hội thông qua Luật Đất đai, trước sự căng thẳng, gay cấn, đến phút cuối trước khi ấn nút đã có sự thay đổi. Theo đó, trước khi UBND tỉnh quyết định giá đất phải có hội đồng thẩm định, có tổ chức dịch vụ định giá đất độc lập. Đây là một điểm mới, tiến bộ quy định hội đồng thẩm định giá đất chỉ có chức năng tư vấn, quyền quyết định vẫn thuộc UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức hỗ trợ đất nông nghiệp gồm hai loại: đất nông nghiệp nằm trong khu hành chính phường và đất nông nghiệp ngoài cánh đồng phải có hai mức bồi thường khác nhau. Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra định nghĩa chung là đất nông nghiệp chứ không phân loại mức hỗ trợ cụ thể.

Liên quan trực tiếp tới công tác giải phòng mặt bằng, hỗ trợ định cư, giá đất, Trưởng ban Giải phòng mặt bằng TP Hà Nội cho rằng, mỗi lần biến động về giải phóng mặt bằng là rất phức tạp, khó khăn. Do vậy, nếu những vấn đề nào thực tiễn triển khai áp dụng có hiệu quả, chuẩn mực thì nên tiếp tục. Hiện nay, công tác giải phòng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội luôn gặp nhiều vướng mắc và là vấn đề rất “nóng”. Nguyên nhân nảy sinh khó khăn, rắc rối trong khâu này chính là giá đất ở, nhất là khi đền bù phần đất ở và tái định cư. Chia sẻ khó khăn, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Nghị định cần làm rõ khâu tư vấn thẩm định giá đất, tiêu chuẩn định giá. Qua kinh nghiệm thành công của một số địa phương cho thấy, nếu có quy định rõ ràng, minh bạch để người dân thấy được thì mọi việc sẽ tiến triển thuận lợi, suôn sẻ.

Công khai và công bằng trong tiếp cận đất đai sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân, là ý kiến kết luận tại Hội nghị đóng góp cho Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Việc xây dựng chính sách giá đất nhất thiết cần có sự tham gia trực tiếp của người dân trên cơ sở quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ.