Công khai trong bí mật

(ANTĐ) - Đầu tháng 7-2009, một giám đốc và 3 nhân viên văn phòng đại diện của Tập đoàn Rio Tinto ở Thượng Hải, Trung Quốc bị bắt với các cáo buộc “làm gián điệp” và “lấy cắp bí mật Nhà nước”. Tiếp sau đó, 5 hãng thép lớn của Trung Quốc đã bị điều tra về việc làm rò rỉ thông tin, cùng 16 hãng khác trong diện có thể bị điều tra.

Gián điệp kinh tế ở Trung Quốc:

Công khai trong bí mật

(ANTĐ) - Đầu tháng 7-2009, một giám đốc và 3 nhân viên văn phòng đại diện của Tập đoàn Rio Tinto ở Thượng Hải, Trung Quốc bị bắt với các cáo buộc “làm gián điệp” và “lấy cắp bí mật Nhà nước”. Tiếp sau đó, 5 hãng thép lớn của Trung Quốc đã bị điều tra về việc làm rò rỉ thông tin, cùng 16 hãng khác trong diện có thể bị điều tra.

Nguyên nhân đích thực của vụ án “gián điệp” này đã được nhiều nhà phân tích mổ xẻ và đưa ra những ý kiến khác nhau, nhưng quá trình nghiên cứu của họ đều cùng đưa đến kết luận: Gián điệp kinh tế ở Trung Quốc hiện tồn tại khá công khai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nước này.

Bê bối ở Rio Tinto    

Rio Tinto thành lập năm 1873, là tập đoàn khai thác mỏ lớn thứ 3 thế giới, có trụ sở tại London (Anh) và Melbourne (Australia) cùng hơn 600 công ty con trên khắp thế giới với khoảng 35.000 nhân viên. Năm 2006, lợi nhuận trước thuế của Rio Tinto đạt 10,2 tỷ USD trong số doanh thu 25,4 tỷ USD. Tập đoàn này là nhà cung cấp quặng sắt lớn cho Trung Quốc, có văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Ngày 7-7-2009, Công an Trung Quốc bắt giữ ông Hồ Sỹ Thái - Giám đốc Văn phòng đại diện Rio Tinto tại Thượng Hải cùng 3 nhân viên dưới quyền khác với cáo buộc “làm gián điệp và lấy cắp bí mật Nhà nước”. Theo thông tin từ Công an Thượng Hải, tại một số cuộc đàm phán về giá quặng sắt giữa Trung Quốc với các Tập đoàn Rio Tinto, Vale (Brazil) và Billiton (Australia) đầu năm 2009, ông Hồ Sỹ Thái cùng 3 nhân viên trên đã hối lộ lãnh đạo các hãng thép của Trung Quốc để thu được bí mật kinh tế.

Ngành thép đóng vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc
Ngành thép đóng vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc

Ông Hồ Sỹ Thái còn bị nghi ngờ về việc đã hối lộ lãnh đạo một số doanh nghiệp thép vừa và nhỏ để ký hợp đồng dài hạn trong khi các doanh nghiệp này chưa được phép, gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán của Hiệp hội Thép Trung Quốc hồi cuối năm 2008.

Vụ bắt giữ và điều tra ngay lập tức gây nên tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia. Trước mọi sức ép từ phía Chính phủ Canberra, Bắc Kinh vẫn kiên quyết với việc làm của mình. Ngày 14-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, những nhân viên của Rio Tinto thông qua thủ đoạn không chính đáng lấy cắp bí mật quốc gia của Trung Quốc, đã gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích kinh tế của nước này, đồng thời khẳng định việc đó không liên quan đến chính trị.

Những hậu quả khó lường

Vụ bê bối ở Tập đoàn Rio Tinto chỉ cho thấy một phần nhỏ trong “tảng băng trôi” gián điệp kinh tế ở Trung Quốc. Trên thực tế, hành vi gián điệp của các công ty xuyên quốc gia ở nước này đã trở thành “bí mật công khai”.

Tháng 8-2008, ông Giang Dũng Tăng - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu an ninh kinh tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế từng cảnh báo cùng với việc các tập đoàn nước ngoài hoạt động ngày càng sâu rộng ở Trung Quốc, nền kinh tế nước này cũng chịu sự uy hiếp càng lớn. Những vụ việc tương tự như ở Rio Tinto hiện khá nhiều, trong đó đối tượng lấy cắp là những kỹ thuật tiên tiến trong ngành công nghiệp chế tạo và ngành thủ công truyền thống.

Bắt đầu bằng vụ Thiết Anh - Phó Chủ nhiệm ủy ban Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh nhận hối lộ của thương nhân nước ngoài, tiếp đó là các vụ Wal-mart, Alcatel, Merck Sharp&Dohme, Depp, sơn Nippon… đều đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về tình trạng lộ lọt bí mật kinh tế ra nước ngoài. Điều đáng nói là những hành vi gián điệp này luôn liên quan đến việc quan chức Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp ăn hối lộ.

Một con số thống kê do cơ quan phân tích kinh tế An Bang cung cấp cho thấy: Trong gần 10 năm trở lại đây, số vụ hối lộ của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc tăng đột biến, có tới 60% trong số 500.000 án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Việc lộ bí mật ngành thép mới rồi còn có khả năng dẫn đến lộ, lọt bí mật quân sự. Ngành thép là ngành công nghiệp chủ đạo ở Trung Quốc, vì thế những thông tin liên quan đến việc sản xuất không chỉ là bí mật của một ngành nghề mà đã trở thành bí mật quốc gia. Trong giới tình báo, căn cứ vào những thông tin về sản xuất, tiêu thụ thép của một quốc gia, một cơ quan phân tích luôn có khả năng suy đoán được tình trạng kinh tế, thậm chí việc sản xuất vũ khí, máy bay, chiến hạm… của quốc gia này.

Bảo Trâm

 (Tổng hợp)