Công khai rao bán thiết bị nghe lén: Đã có “hình”, nhưng khó phạt

ANTĐ - “Bạn muốn theo dõi ai đó? Bạn cần có được những thông tin đặc biệt một cách bí mật mà người khác không muốn cho bạn biết”?... Những dòng quảng cáo bán thiết bị nghe lén như thế này đang tràn lan trên mạng internet.

Rao bán công khai thiết bị nghe lén trên mạng internet


Mua dễ như mua... rau

Mặc dù là mặt hàng bị cấm kinh doanh song các thiết bị nghe lén, quay phim trộm vẫn được rao bán công khai. Tại diễn đàn ssc.com, người bán hàng tên T. (ngõ 196 Cầu Giấy-Hà Nội) đã đăng tải hình ảnh các thiết bị và mô tả tính năng đầy đủ cho khách hàng tham khảo, lựa chọn. Theo quảng cáo, thiết bị sử dụng công nghệ GSM (sim điện thoại di động) chỉ nhỏ bằng 1/4 bao diêm, có thể đặt ở bất cứ nơi đâu khách hàng cần, kể cả trong cốp xe hay túi xách, và khách hàng có thể nghe lén thông tin qua điện thoại của mình. Người bán hàng này còn “trưng bày” nhiều mẫu mã khác như: camera dạng hình chiếc chìa khóa ô tô, bút có chức năng quay camera... Ai muốn trở thành “thám tử” một cách bất hợp pháp, chỉ cần chi số tiền từ 800.000 đồng trở lên là có thể sở hữu một thiết bị nghe lén, quay phim trộm như trên.

Tại một diễn đàn khác, một thành viên tại Mai Dịch-Cầu Giấy lại rao bán thiết bị có chức năng tự động gọi lại cho người đặt chế độ nghe lén khi cuộc gọi kích hoạt với giá 1,5 triệu đồng/chiếc. “Hoàn toàn bí mật vì được tích hợp trong các thiết bị sinh hoạt hàng ngày và trong khi hoạt động không gây ra tiếng ồn, thiết bị sẽ ở trạng thái im lặng tuyệt đối” - người bán hàng này quảng cáo. Đáng chú ý hơn, thiết bị này có thể sử dụng được sim của tất cả các mạng di động thông thường hiện có tại Việt Nam như: Vina, Mobi,

Viettel,VietnamMobile... và thu âm cực nét trong bán kính 15-30m, nghe liên tục trong 5 tiếng. Tất cả các sản phẩm này đều được người kinh doanh bảo hành 12 tháng.

Phạt nặng, vẫn cần kiểm soát nghiêm

Trước hành vi rao bán công khai thiết bị thuộc dạng bị cấm kinh doanh này, nhiều người tỏ ra bức xúc. Thành viên có nickname trai... cho biết: “Có lẽ mình đang bị ai đó theo dõi mà không biết”! Một thành viên khác lại cho rằng nếu người nào cũng có thể sở hữu những thiết bị xâm phạm đến tự do cá nhân của người khác dễ dàng như vậy thì lòng tin bị xói mòn, nhìn ai cũng thấy đáng ngờ. Nguy hiểm hơn, những thiết bị nghe lén này có nguy cơ xâm hại đến an ninh quốc gia nếu rơi vào tay những kẻ xấu, có ý định chống phá nhà nước.

Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, Nghị định số 52/2008/NĐ-CP đều có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do của tổ chức, cá nhân. Theo Điều 125 - Bộ luật Hình sự, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác có thể bị phạt tới 2 năm tù giam.

Mới đây nhất, Nghị định 83/2011/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực viễn thông quy định, phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi thu, nghe trộm thông tin trên mạng viễn thông; đánh cắp và sử dụng mật khẩu, khóa mật mã, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân; ngăn cản bất hợp pháp việc truy nhập thông tin của tổ chức, cá nhân.

Biện pháp xử phạt đã có, nhưng làm thế nào để xử đúng người, đúng tội, ngăn chặn hoạt động kinh doanh những sản phẩm trái pháp luật nêu trên vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Trên thực tế, nếu các lực lượng chức năng sát sao kiểm tra, kiểm soát thị trường thì những lời rao bán công khai như trên sẽ không có cơ hội để xuất hiện.