Công khai đường dây nóng phản ánh thu chi sai quy định

ANTD.VN - Nỗi lo lạm thu đầu năm học mới không phải là vô cớ khi 6 tháng đầu năm 2016, thống kê chỉ số giá tiêu dùng cả nước cho thấy nhóm giáo dục tăng mạnh chỉ sau nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng các tháng 8, 9 tiếp tục bị tác động của nhóm giáo dục khi mức học phí sẽ tăng và các gia đình phải mua sắm các mặt hàng phục vụ giáo dục. 

Phụ huynh chóng mặt với các khoản thu thêm

Cho dù học phí khối công lập sẽ tăng trong năm học mới nhưng điều khiến phụ huynh lo lắng không phải là khoản chi này. “Nếu tăng học phí nhưng các trường không phải thu thêm các khoản thu khác thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Chỉ sợ với mức tăng 20.000 đồng/học sinh sẽ không giải quyết được nhu cầu chi tiêu thực tế của các trường và vẫn phát sinh các khoản thu “tự nguyện” trá hình” - chị Mai Thu Liên, phụ huynh học sinh trường tiểu học Kim Liên cho biết. 

Với 2 đứa con học phổ thông, để chuẩn bị cho năm học mới, chị Liên cho biết mình đã phải chi hơn 500.000 đồng sách giáo khoa, gần 1 triệu đồng tiền vở, đồ dùng học tập. Vào năm học sẽ phải đóng quỹ phụ huynh, tiền đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, tiền học phí, bán trú, tiền ăn... Các khoản này đều nhân đôi, chưa kể tiền học thêm ngoài nhà trường, học thêm tiếng Anh... Với gia đình công chức, ít nhất cũng mất một suất lương, trong khi gia đình còn cần chi không biết bao nhiêu khoản khác. Còn đối với các hộ nghèo, không có thu nhập ổn định hay chỉ thuần nông thì các khoản chi này thực sự là gánh nặng lớn.

Anh Nguyễn Tiến Lộc cho biết, trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, mọi người đều được thông báo các khoản chi như tiền sơn lại tường lớp học, sửa chữa bàn ghế, mua sắm tủ, giá sách, tiền thay rèm cửa, mua thêm quạt... Nhiều khoản nhỏ cộng lại khiến các phụ huynh không khỏi ngán ngẩm. Trong khi đó, nhiều ý kiến thắc mắc, việc sơn tường lớp học, sửa chữa bàn ghế là việc đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường chứ không phải do phụ huynh phải đóng góp. 

Lý giải về các khoản thu thêm, một số hiệu trưởng phản ánh qua thực tiễn hoạt động của nhà trường, sau mỗi năm học, một số thiết bị, đồ dùng học tập chỉ dùng được trong 1 năm học, cần phải thay thế trong năm học mới. Ngân sách chi thường xuyên khá hạn hẹp nên để sửa chữa, sắm mới, sơn tường... nhiều khi không đủ chi nên phải thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đóng góp của phụ huynh. 

Bà Nguyễn Thị Huyền Hải, Hiệu trưởng trường Mầm non Kim Lũ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn cho biết, tổng chi ngân sách cấp cho trường mỗi năm chỉ trên dưới 300 triệu đồng để chi cho hơn 760 học sinh và hơn 40 cán bộ giáo viên trong trường... Trong đó bao gồm cả tiền lương nên tất cả các khoản chi thường xuyên của trường đều phải tiết kiệm tuyệt đối. Với hơn 800 trẻ mầm non, cán bộ, giáo viên, việc sử dụng các trang thiết bị hàng ngày không thể tránh khỏi hỏng hóc, việc thay mới, sửa chữa cơ sở vật chất, điện nước chiếm khoản chi không nhỏ.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, hiện nay ngân sách dù đã rất ưu tiên cho giáo dục nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đủ, do vậy việc tăng học phí sẽ đem lại những tác động tích cực trong các trường công. Tuy nhiên, kể cả tăng học phí thì chúng tôi vẫn phải hết sức tiết kiệm và mới chỉ tập trung vào chi phí phục vụ giảng dạy chuyên môn. Trong khi đó, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất đều chỉ làm cầm chừng, hạn chế, bởi mức thu chưa đáp ứng.

Đặc biệt, các trường lâu năm, cơ sở vật chất cần liên tục duy tu, sửa chữa mới đảm bảo an toàn cho học sinh sau mỗi năm học sử dụng liên tục. Rõ ràng nếu có được sự đồng lòng của xã hội, sự hỗ trợ của các phụ huynh thì các trường mới có thêm các nguồn đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường cũng cần minh bạch hơn nữa các khoản thu, chi để phụ huynh nắm được nhu cầu, mục đích và tham gia giám sát, hơn nữa đã là thu tự nguyện thì không thể đổ đồng, tính trung bình mà phải tùy theo năng lực mỗi người.

Ngân sách, học phí tăng vẫn không đủ chi

Để tránh tình trạng thu thêm để mua sắm, sửa chữa đầu năm học mới, các hiệu trưởng đều cho rằng cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra những hạng mục cần thiết phải đầu tư để bổ sung ngân sách mua sắm đầy đủ. Nếu ngân sách Nhà nước đầu tư được đồng bộ, toàn diện cơ sở vật chất thì nhà trường không phải thu các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm nữa. Như vậy, sẽ tránh được những thắc mắc liên quan đến lạm thu, loạn thu để chi mua sắm thiết bị như một số trường học thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế, theo tính toán của Sở GD-ĐT Hà Nội năm học 2015-2016, toàn thành phố thu học phí được khoảng 287,5 tỷ đồng, chỉ chiếm 6,7% tổng chi phí trực tiếp của ngành giáo dục. Trong đó, phải dành ra tới 40% để chi thực hiện cải cách tiền lương, 60% còn lại được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập. Do đó, các đơn vị đều gặp hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về việc các trường vẫn lo học phí tăng nhưng vẫn không đủ để đầu tư cơ sở vật chất, dẫn tới việc phải thu thêm của phụ huynh học sinh, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau khi tăng học phí, Hà Nội dự kiến sẽ tăng thêm nguồn thu khoảng 112 tỷ đồng. Chia cho gần 2.000 trường học, con số này không phải là nhiều. Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, Hà Nội sẽ rà soát và cân đối lại định mức ngân sách chi cho đầu học sinh theo hướng tăng lên nhằm hỗ trợ các trường có thêm nguồn thu đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động dạy, học. “Thực tế, học phí dù tăng và có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước nhưng thu vẫn không đủ bù chi trong các trường công lập. Vì thế, có nơi sẽ bám vào lý do này để thu thêm. Sở sẽ chấn chỉnh ngay từ đầu năm học” - ông Lê Ngọc Quang khẳng định.

Hà Nội yêu cầu không ép buộc phu huynh học sinh đóng góp với danh nghĩa tự nguyện

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa chính thức yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các khoản thu ngoài học phí theo quy định của thành phố. Đối với các khoản thu đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị, nhà trường phải thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh. Nhà trường chỉ được vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp. Về khoản thu quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu, các trường phải thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định.

Ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ phụ huynh - học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, không tùy tiện lập các quỹ hoặc để Ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được vận động quyên góp cha mẹ học sinh hoặc người học các khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. 

Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng công bố số điện thoại đường dây nóng 01695122753 để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ảnh các hiện tượng thu chi không đúng quy định tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.