Công khai để làm rõ trách nhiệm

ANTĐ - Hôm qua, 24-12, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Nhiều vấn đề thời sự nóng hổi như quy định xử lý xe không chính chủ, vì sao phải độc quyền kinh doanh vàng miếng, phí đường bộ... đã được các ĐBQH đưa ra thảo luận.

Người dân không bị thiệt hại gì khi sản xuất vàng miếng quy về một mối

Sơ suất hay lách luật?

Mở đầu phiên giải trình, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập tới việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản (Quyết định 1623) cho phép sản xuất kinh doanh vàng miếng SJC. Đặt thẳng vấn đề “đây là sơ suất hay một kiểu lách luật”, ĐB Quốc Khánh phân tích: “Chính phủ không quy định cụ thể về vàng SJC song quyết định của Thống đốc lại quy định cụ thể và tạo cơ hội tăng thu nhập riêng cho SJC, để người dân, doanh nghiệp khác bị thiệt hại. Vì sao lãnh đạo ngân hàng không lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân? Với thiệt hại mà doanh nghiệp, người dân phải chịu, trách nhiệm của NHNN ở đâu?”.

Giải trình với các ĐBQH, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình khẳng định, NHNN có trách nhiệm đối với việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Theo đại diện NHNN, sau khi Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, việc sản xuất vàng miếng đã không được phép diễn ra đại trà như trước đây nữa mà thuộc độc quyền của NHNN. Phó Thống đốc nói rõ, Quyết định 1623 là để thực hiện trong nội bộ chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản này hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. NHNN cho rằng, “đã làm đúng trình tự thủ tục ban hành quy định, đã xin ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan, làm việc với cơ quan chủ quản SJC”...

Liên quan tới “thiệt hại của người dân, doanh nghiệp”, Phó Thống đốc phân trần: “NHNN không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC. Dù vậy, thực tế có rất nhiều người dân đang nắm giữ thương hiệu vàng miếng khác muốn chuyển sang SJC. Tôi cho rằng việc ban hành Quyết định 1623 không hề gây thiệt hại  nào cho người dân. Có điều, khi có nhu cầu chuyển đổi thành vàng SJC, người dân tự chấp nhận chi phí 50.000 đồng/lượng...”.

Giảm “nợ” nhưng vẫn... đọng nhiều

Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản nhanh hơn. Số văn bản “nợ” giảm mạnh. Tuy nhiên, còn tình trạng chưa thể giải quyết triệt để và vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tính đến 15-10-2012, còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. ĐBQH Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bổ sung: “So với cách đây 5 năm, số văn bản nợ cũng nhiều tương đương. Luật Các tổ chức tín dụng còn tới 19 nội dung chưa được hướng dẫn, Luật An toàn thực phẩm có tới 33 nội dung chưa được hướng dẫn, Luật Khám chữa bệnh 7 nội dung...” .

Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận, yếu kém trong xây dựng văn bản pháp luật là một thực tế, trong đó, nguyên nhân quan trọng là nhận thức của cả bộ máy. Một số cấp, ngành, nhất là người đứng đầu, chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Ông thẳng thắn: “Phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, không chỉ trong xây dựng pháp luật mà trong điều hành nói chung”. 

Trước những ý kiến trái chiều về quy định xử phạt đối với hành vi mua bán xe mà không sang tên đổi chủ (Nghị định 71/2012/NĐ-CP) hay quy định về thu phí sử dụng đường bộ như thế nào… Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng dừng triển khai hoặc thí điểm để lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, các chuyên gia. Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Có nhiều vấn đề khi quy định chi tiết chưa được xã hội đồng tình thì cần tuyên truyền thuyết phục. Nếu quy định được nhân dân ủng hộ hoặc thực hiện thí điểm thấy đúng thì làm tiếp, nếu chưa phù hợp thì dừng lại và xem xét chỉnh sửa pháp luật... Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản pháp luật...”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ - những cơ quan thẩm tra - phải lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, ĐBQH để cùng nhau bàn bạc, làm sao có quy định khả thi nhất, đem lại lợi ích cho nhân dân. Ông cam kết, chất lượng cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành; kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật... sẽ là những vấn đề được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới. “Phải rất công khai, minh bạch. Công khai thì sẽ biết rõ ai làm tròn trách nhiệm, ai không để nhân dân và các ĐBQH đánh giá” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.