Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bình chọn các quy định tốt- tồi

ANTD.VN - Sáng nay 28-2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất, tồi nhất sau hơn 1 năm tiến hành bình chọn.

Cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 do VCCI phát động vào cuối tháng 12-2015 đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Theo báo cáo, sau giai đoạn đề cử, Ban tổ chức đã nhận được 9.297 đề cử các quy định từ 1.739 cá nhân và tổ chức (trung bình mỗi phiếu đề cử 5,34 quy định).

Sau khi sàng lọc, kết quả có 114 quy định tốt và 123 quy định tồi đã được đề cử. Vì nhiều lý do, thay vì chọn ra 10 quy định tốt nhất, 10 quy định tồi nhất thì Ban Tổ chức đã quyết định bình chọn ra 30 quy định tốt nhất và 30 quy định tồi nhất.

Danh sách các quy định này được gửi cho 17 cơ quan ban hành hoặc chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến giải trình, gồm: TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đất tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Ban tổ chức đã nhận được 12 công văn phúc đáp của các bộ: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đất tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ VH-TT&DL, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trong 5 cơ quan không có công văn phúc đáp thì Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT có đề cử quy định tồi, còn lại 3 cơ quan không có đề cử quy định tồi là TAND Tối cao, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế

Theo Ban tổ chức, cuộc bình chọn này hướng tới 6 mục tiêu: Thứ nhất, cổ vũ, biểu dương các văn bản, cơ quan ban hành những văn bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân trong việc được trao quyền và tiếp cận các cơ hội về đầu tư, việc làm, thu nhập, tham gia các ngành nghề kinh doanh.

Thứ hai, định danh cụ thể các quy định của pháp luật có vấn đề mà các doanh nghiệp đánh giá là phiền hà, khó khăn, phân tích những điểm chưa phù hợp và chủ động đưa ra khuyến nghị các giải pháp cải thiện cụ thể.

Thứ ba, là một kênh phản ánh từ phía xã hội để giám sát các văn bản được ban hành. Các hiệu ứng, sức ép từ việc công bố các văn bản tồi nhất là một cảnh báo quan trọng để các bộ, ngành giảm bớt việc ban hành các văn bản có chất lượng kém.

Thứ tư, thay đổi và cải thiện chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành dựa trên các tiêu chí phù hợp, có thể kể đến như giảm chi phí tuân thủ, hạn chế rào cản gia nhập thị trường, ít cơ hội cho tham nhũng, không phân biệt đối xử,….

Thứ năm, ban tổ chức kỳ vọng cuộc bình chọn sẽ có tác động lớn trong việc nâng cao vai trò và tiếng nói của hiệp hội doanh nghiệp, tạo cơ hội và thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức nghề nghiệp tham gia một cách chủ động và tích cực hơn trong quá trình xây dựng và sửa đổi chính sách ở Việt Nam.

Thứ sáu, nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp.

Điểm danh một số quy định trong top 30 quy định tồi nhất:

- Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống được đánh giá là không rõ ràng mục tiêu chính sách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, làm méo mó cạnh tranh giữa hai nhóm thương nhân, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này. Quy định này cũng được cho là sẽ làm tăng chi phí xã hội để tuân thủ và tạo thế độc quyền cho một số nhà phân phối.

Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương là một trong nhưng quy định bị bình chọn là tồi nhất

- Quy định “Giấy vàng - Giấy trắng” trong đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2014 cũng được đánh giá là thiếu rõ ràng tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và đi ngược lại tinh thần cải cách thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 2014.

- Khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 cũng được xếp vào danh sách quy định tồi khi quy định doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

- Thông tư 15/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định “Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý”.

Theo Ban tổ chức, quy định này có mục tiêu không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Quy định này cũng làm giảm cơ hội lựa chọn của doanh nghiệp, tốn kém chi phí mà lại không tạo được lợi ích rõ ràng nào cho xã hội và chi phí tuân thủ cũng rất cao.

- Quy định Kinh doanh vận tải hàng hoá không thu tiền trực tiếp phải có Giấy phép kinh doanh cũng được đánh giá là chưa phù hợp. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có hoạt động vận tải này là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài có tỷ lệ cổ phần trên 51% tại các doanh nghiệp này sẽ không được quyền sử dụng đội xe riêng để chuyên trở. Với quy định này, doanh nghiệp phải từ bỏ đội xe và phải thuê xe vận tải của doanh nghiệp khác, gây thiệt hại lớn trong khi nhiều loại hàng hoá cần xe vận chuyển đặc thù không dễ tìm doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở ngoài...