Công dân về từ TP.HCM, không tự cách ly mà đi gội đầu, làm móng... có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, trường hợp về từ TP.HCM nhưng không thực hiện việc tự theo dõi, cách ly mà đi lại nhiều nơi là có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng chống dịch, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan tới trường hợp đi từ TP.HCM ra Hà Nội tại địa chỉ số 8 Đình Ngang (phường Cửa Nam) có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trường hợp này trở về từ TP.HCM nhưng không thực hiện việc tự theo dõi, cách ly mà đi lại nhiều nơi, lịch trình phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Theo lãnh đạo UBND phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm), trường hợp này còn đi làm tóc, làm móng trên địa bàn nên hiện phường đang tiến hành truy vết và đã lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp liên quan gửi CDC Hà Nội xét nghiệm.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn LSTP Hà Nội) cho hay, hiện nay, Hà Nội không cách ly tập trung với người về từ TP.HCM. Tuy nhiên, theo quy định về phòng chống dịch, công dân vẫn phải thực hiện theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương và thành phố.

Trường hợp nêu trên không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, đi lại nhiều nơi, lịch trình phức tạp có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh là dấu hiệu của việc vi phạm quy định về phòng chống dịch. Cơ quan chức năng tùy vào quá trình kiểm tra, kiểm soát sẽ có giải pháp xử lý cụ thể, có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại Điều 1, Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29 tháng 01 năm 2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút CORONA (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, thì COVID-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (điều 1).

Trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt với các hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A là từ 10-20 triệu đồng.

Cũng tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, theo quy định, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc COVID-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1, Điều 10, Mục 1, Chương II, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Mặt khác, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu công dân thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm có thể bị phạt tù.

Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC quy định: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, người không khai báo y tế, không tuân thủ quy định về cách ly khiến lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240, Chương XIX, Bộ luật Hình sự 2015.