Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Giang Quân:

Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011

ANTĐ - Một sáng mùa thu cuối tháng 8. Hội Nhà báo TP triệu tập Ban Liên lạc nhà báo cao tuổi Hà Nội để phổ biến Quyết định của UBND TP về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2011. Gần 20 đơn vị đã giới thiệu 20 cá nhân tiêu biểu. Các nhà báo cao tuổi phát biểu ý kiến sôi nổi, nhất trí đề cử Giang Quân do Hội Nhà báo TP giới thiệu.

Tới dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, UBND TP chính thức công bố 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2011, trong đó có Giang Quân. Nhân dịp vui mừng này, tôi nhớ lại những gì đã biết về một cây bút trọn đời yêu Hà Nội.

Giang Quân cũng như Dân Quang, Thái Hữu, Mộng Hà, Quốc Việt, Kim Châm... chỉ là những bút danh, chứ Nguyễn Hữu Thái mới là tên cúng cơm của ông. Ông sinh ngày 4-10-1927, ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong một gia đình lao động làm nghề mộc, sau mở cửa hàng ở phố Lò Sũ. Năm 16 tuổi khi còn ngồi trên ghế trường Kiêm Bị - Cẩm Giàng, ông đã có thơ thiếu nhi đầu tay in trên báo Truyền bá của NXB Tân Dân. Rồi ông học lên bậc thành chung năm thứ ba ở Đông Hải học đường Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Kiểm soát viên Bình dân học vụ huyện Cẩm Giàng. Toàn quốc kháng chiến, ông cùng gia đình tản cư lên Bắc Giang. Bị ốm nặng, ông được phép hồi cư về Hải Dương chữa bệnh, rồi 1950 lên Hà Nội mở hiệu sách. Trong lòng Thủ đô tạm chiếm, ông có 5 năm viết báo công khai, đã in gần chục vở kịch thơ trên các Báo Tia Sáng, Sống Động được học sinh nhiều trường trung học ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Huế, Sài Gòn dựng diễn lấy tiền giúp học sinh nghèo.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, Giang Quân có thơ in liên tiếp trên những số báo Thời Mới, Tiền Phong đầu tiên ra mắt người Hà Nội. Ông tham gia xây dựng hiệu sách Quốc văn tổng hợp - sau mang tên hiệu sách kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở 40 Tràng Tiền - 17 Ngô Quyền, đóng góp với ngành sách Hà Nội một số nghiệp vụ được coi là tiên tiến nhất lúc ấy. Năm 1957, nhà thơ họ Nguyễn tham gia Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội, làm ủy viên thường trực, phụ trách đội văn nghệ thanh niên và CLB thanh niên ba khóa liền.

Ngoài 45 năm gắn bó với ngành văn hóa - thông tin, Giang Quân còn có tình yêu mãnh liệt với Hà Nội. Tình yêu ấy thể hiện trong mỗi trang văn, trang thơ, những kịch bản, biên khảo mà trọn đời ông viết về Hà Nội. Tính đến nay, Giang Quân vừa tròn 30 năm nghiên cứu về văn hóa Hà Nội và văn hóa dân gian Hà Nội. Ông có một kho tàng đồ sộ, hơn 30 đầu sách viết riêng về Hà Nội và hàng trăm cuốn viết chung của hàng chục nhà xuất bản. Có thể kể tới “Thủ đô Hà Nội” nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, “Hà Nội phố phường”, “Từ điển đường phố Hà Nội”, “Ký sự địa chí Hà Nội”… đã đưa tên tuổi ông trở thành một định danh trong giới nghiên cứu về Hà Nội. Chưa hết, ông còn là nhà văn có nhiều cống hiến cho phong trào “Người tốt việc tốt” của Thủ đô qua việc viết và biên tập 18 tập sách “Những bông hoa đẹp” của thành phố. Ở phố Khâm Thiên, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu quận Đống Đa; ông được tặng danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chiến sỹ văn hóa và hàng chục huy chương khác.

Năm 1992 nghỉ hưu nhưng Giang Quân vẫn hoạt động, vẫn viết, tham gia Ban liên lạc nhà báo cao tuổi Hà Nội, CLB hưu trí ngành văn hóa - thông tin Hà Nội, UBMTTQ phường Thổ Quan và quận Đống Đa, liên tục cộng tác với Sở VH-TT&DL Hà Nội và các báo, đài ở Trung ương, Hà Nội.

Gần một thế kỷ sống, sáng tạo không ngừng, Giang Quân đã thể hiện một nghị lực phi thường, một phẩm chất cao đẹp, một tấm gương tận tụy của một nghệ sỹ Thủ đô, một lối sống chân thành, giản dị, trung thực. Những đóng góp xuất sắc, tiêu biểu nhất của Giang Quân thật đáng trân trọng. Cây bút Giang Quân xứng đáng với danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2011 ở tuổi 85. Đây cũng là niềm vui tràn ngập trong làng báo Hà Nội.