Công dân phải trực tiếp đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu thay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Liên quan đến việc bầu cử, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Những người cố tình trốn tránh, không đi bầu cử có bị xử phạt? Công dân có được nhờ người khác đi bầu cử thay?

Bầu cử là quyền công dân được quy định tại Hiến pháp 2013. Điều 27 Hiến pháp quy định, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Bên cạnh đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 cũng nêu rõ, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này.

Như vậy, bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ của công dân song quyền không tách rời nghĩa vụ. Mặc dù pháp luật hiện hành không quy định chế tài xử phạt đối với người đủ điều kiện bầu cử không tham gia bầu cử, song công dân cần thực hiện quyền này đầy đủ, đúng quy định của pháp luật nhằm chọn ra những người “có đức, có tài”, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình tham gia vào hệ thống chính trị…

Về nguyên tắc bầu cử, theo Điều 1 Luật Bầu cử việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Cử tri xem xét, kiểm tra danh sách đã được niêm yết

Cử tri xem xét, kiểm tra danh sách đã được niêm yết

Cử tri khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp:

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Với cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Như vậy, công dân không được phép nhờ người nhà đi bầu cử hộ. Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình.