Công dân hỏi - Bộ Công an trả lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

Về chế độ phụ cấp cho lực lượng khám nghiệm hiện trường

Công dân Nguyễn Cao Trí hỏi:

Tôi hiện đang công tác tại Đội Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, tôi đang hưởng 10% phụ cấp khám nghiệm hiện trường theo Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg ngày 6-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, chiến sỹ trong Công an nhân dân. Tuy nhiên, một bộ phận làm công tác phối hợp khám nghiệm hiện trường vụ cháy nổ khác thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lại được hưởng mức phụ cấp 15%. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, phụ cấp 15% đó được thực hiện theo quy định nào? Vì sao cùng làm công tác khám nghiệm hiện trường tại một cơ quan, nhưng lực lượng Kỹ thuật hình sự lại không được hưởng chế độ này?

Bộ Công an trả lời:

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BCA-BNV-BTC ngày 23-6-2010 của Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg ngày 6-7-2009 của Thủ tướng Chính phủ: Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực tiếp làm công tác khám nghiệm hiện trường các vụ cháy được hưởng phụ cấp đặc thù mức 15%. Cán bộ kỹ thuật hình sự làm công tác khám nghiệm hiện trường ngoài hưởng phụ cấp đặc thù (mức 10%) còn được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 1-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

Hiện, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (trong đó có sửa đổi Quyết định số 91/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng sẽ bị xử lý như thế nào?

Các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19

Các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19

Công dân Nguyễn Xuân Thành hỏi:

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp người biết mình đã bị nhiễm bệnh mà bản thân không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng thì bị xử lý như thế nào?

Bộ Công an trả lời:

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1-2-2020; Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ, thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A (Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh). Đồng thời, theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Do đó, đối với hành vi “người biết mình đã bị nhiễm bệnh Covid-19 mà bản thân không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng”, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, cụ thể:

1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi che giấu bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, bị xử phạt vi phạm hành chính đến 1.000.000 đồng. Cụ thể:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Quy định về xử lý hình sự

Hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù. Cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự đối với người có các hành vi như trên làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, cơ quan chức năng cần kiến nghị, đề xuất Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Người nước ngoài trồng cây cần sa và tàng trữ trái phép cần sa khô sẽ bị xử lý ra sao?

Lực lượng công an nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép

Lực lượng công an nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép

Công dân Nguyễn Thanh Long hỏi:

Vừa qua, Công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội phát hiện một người nước ngoài đã trồng hàng trăm cây cần sa và tàng trữ trái phép cần sa khô ở khu vực bãi giữa sông Hồng. Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi trồng cây cần sa và tàng trữ trái phép cần sa khô của người nước ngoài nêu trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Bộ Công an trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:

1. Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định: Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý

- Tại Khoản 1 quy định khung hình phạt cơ bản

Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây.

- Tại Khoản 2 của Điều luật là định khung hình phạt tăng nặng.

- Tại Khoản 4 quy định: Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Điều 249 Bộ luật Hình sự quy định: Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý

- Tại Khoản 1 quy định khung hình phạt cơ bản

Người nào tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

...

d) Lá cây cô ca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định có khối lượng từ 1 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

- Tại Khoản 2, 3, 4 của Điều luật là định khung hình phạt tăng nặng.

Như vậy, đối với nội dung câu hỏi trên, cần xác minh chủ thể là người nước ngoài có thuộc đối tượng được hưởng quyền “miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự…” hay không; làm rõ hành vi “trồng” hay hành vi “tàng trữ” cây cần sa và các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 247 và Điều 249 Bộ luật Hình sự đã viện dẫn như trên. Nếu đủ căn cứ thì tiến hành khởi tố, điều tra và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp không phải là tội phạm thì căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ để xác định nếu vi phạm thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.