“Công cụ” lương hữu ích

ANTĐ - Kết thúc năm 2012 không có nghĩa là những khó khăn, thách thức với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đã chấm dứt. Ngược lại nó vẫn đeo bám, trở thành gánh nặng và cản trở sự phát triển, sản xuất dinh doanh trong năm 2013. Năm 2012 được coi là năm hết sức khó khăn đối với thị trường lao động. Hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc phải cắt giảm việc làm khiến hàng chục vạn người lao động thất nghiệp. Chạy việc và chạy ăn là nỗi lo triền miên của công nhân trong các công ty, doanh nghiệp và các khu công nghiệp.

Bức tranh toàn cảnh lao động việc làm năm 2012 vừa được Tổng Cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế công bố cho thấy, cả nước đã có gần 1 triệu người thất nghiệp, hơn 1,3 triệu người thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,3%. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp với mức 3,9%. Hà Nội và Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 và thứ 3, trong khi ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc ở mức thấp nhất, gần 0,8%.

Trong bối cảnh thất nghiệp ở các nước khu vực và trên thế giới khá cao, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta không cao là do nhiều người lao động vẫn có thể xoay xở, tìm kiếm những công việc vặt trong những ngành kinh tế phi chính thức, với mức thu nhập thấp và bất ổn định vì cuộc sống bản thân và gia đình. Đáng chú ý là, lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế nhà nước có tỷ lệ thất nghiệp giảm dần qua các quý của năm 2012. Ngược lại, khu vực hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã làng nghề lại có xu hướng tăng lên.

Theo nhận định của Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, sự phát triển kinh tế của Việt Nam không song hành với gia tăng việc làm ổn định. Tăng trưởng việc làm so với 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quá thấp so với hệ số co giãn của việc làm theo tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, cung cầu lao động bị mất cân bằng nghiêm trọng, thiếu việc làm nhưng doanh nghiệp cần lao động lại không thể thuê được vì lao động thiếu kỹ năng. Trở ngại trước mắt và lâu dài của nền kinh tế là chất lượng lao động kém, năng suất thấp, thiếu nhân lực có kỹ năng và đủ tiêu chuẩn.

Trước ý kiến cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp của nước ta chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa trở thành phao cứu sinh của người lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, bảo hiểm là làm sao để người lao động nhanh chóng quay lại thị trường lao động, chứ không phải như hiện nay là một tháng đưa cho họ ít tiền, khi đã nhận tiền, thì ít nhất họ phải thất nghiệp 3 tháng! Thậm chí, nhiều người bỏ tiền để đóng bảo hiểm thất nghiệp, song không thấy “mặt mũi” sổ bảo hiểm. Khi doanh nghiệp giải thể, người lao động mất trắng quyền lợi.

Mặc dù khẳng định chính sách lương tối thiểu là một công cụ chủ đạo để giảm nghèo và bảo trợ xã hội cho nhóm người lao động dễ bị tổn thương, song chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo, lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích như trước đây để áp đặt xu hướng tiền lương cho người lao động. Cần phải có cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn.