Công cụ cho phát triển

ANTĐ - Vai trò của sở hữu trí tuệ ngày càng được khẳng định khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá đây chính là công cụ quan trọng giúp khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tạo động lực chính cho phát triển. 

WIPO ngày càng đóng vai trò quan trọng với sự phát triển hài hòa của thế giới

Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 50 của Đại hội đồng 185 quốc gia thành viên của WIPO vừa diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Nguồn gốc của WIPO bắt đầu từ năm 1833, khi Công ước Paris về bảo hộ sở hữu trí tuệ xuất hiện. Năm 1883, Văn phòng quốc tế thống nhất về bảo hộ sở hữu trí tuệ (BIRPI) ra đời, đặt trụ sở tại Berne, Thuỵ Sĩ, với 7 nhân viên. Đây chính là tiền thân của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới ngày nay. Năm 1960, BIRPI chuyển từ Berne đến Geneva, và đến năm 1967 thì BIRPI đổi thành WIPO.

Sự tồn tại của tổ chức này cho thấy sở hữu trí tuệ được quan tâm từ rất lâu. Trong thời đại phát triển của nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Bất cứ một sản phẩm mới nào vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh bắt chước. Nếu không có quy định về sở hữu trí tuệ, các nhà sáng tạo gốc có thể bị đẩy ra khỏi thị trường, bởi đối thủ cạnh tranh chẳng tốn kém nhiều mà vẫn hưởng lợi thành quả sáng tạo và sáng chế gốc.

Khi các phát minh, sáng chế được bảo hộ, nó có thể mang những giá trị vô cùng lớn cho các doanh nghiệp sở hữu nó, thậm chí trở thành những tài sản vô hình. Trên thế giới đã có rất nhiều công ty thành công với số lượng tài sản vô hình như: Walt Disney (hoạt động trong lĩnh vực giải trí có số lượng tài sản vô hình chiếm 70,9%), Johnson & Johnson (sản xuất kinh doanh mỹ phẩm có số lượng tài sản vô hình chiếm 87,9%), Procter & Gamble (hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng có số lượng tài sản vô hình 88,5%), Microsoft (hoạt động trong lĩnh vực phần mềm máy tính có số lượng tài sản vô hình chiếm 97,8%).

Trong khi đó, nếu để hiện tượng hàng giả và vi phạm bản quyền xảy ra, thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Người ta tính ra rằng trên phạm vi toàn cầu, thiệt hại do hàng giả và vi phạm bản quyền lên tới vài trăm tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, về cơ bản, không có ngành công nghiệp nào là không bị ảnh hưởng: phần mềm, nhạc, phim, hình ảnh, các loại thuốc, thực phẩm và thậm chí cả máy móc đều có thể bị làm giả hoặc sao chép mà không được phép, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. 

Chính vì thế, sở hữu trí tuệ đã trở thành công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Chỉ cần khai thác có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng. Trong gian đoạn hiện đại, không thể hợp tác với cộng đồng quốc tế trong thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa hoặc các lĩnh vực khác mà không thực hiện quyền sở hữu trí tuệ. 

Có thể nói nếu có được cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả, nó sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đưa các công nghệ mới vào đầu tư và chuyển giao các công nghệ mới cho nước sở tại, tạo cơ hội cho phát triển bền vững. Đây là điều mà bất cứ nước nào cũng phải tính đến.