Công chứng mở nhiều, khó quản

ANTĐ - Hôm qua, 5-9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và một số bộ, ngành liên quan đã có phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về hoạt động công chứng, chứng thực.

Hoạt động công chứng, chứng thực vẫn còn nhiều hạn chế (ảnh minh họa)

Thiếu quy hoạch khoa học

Theo Bộ Tư pháp, “hiện nay, cả nước có 724 văn phòng công chứng. Từ nay tới năm 2015, sẽ phát triển thành 1.000 văn phòng. Từ 2016-2020, sẽ có thêm 700 văn phòng nữa đi vào hoạt động. “Tóm lại sẽ “phủ sóng” tất cả các địa bàn, cả vùng sâu, vùng xa, song cũng cần hạn chế sự phát triển nóng các văn phòng công chứng” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, có một bộ phận công chứng viên còn yếu kém về chuyên môn dẫn tới sai sót, vi phạm. Có công chứng viên cố ý làm trái, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo lợi nhuận. Có trường hợp đã bị khởi tố hình sự, phải đưa ra xét xử. “Dù số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại gây bức xúc lớn trong dư luận” - Bộ trưởng thừa nhận.

Nói về sự phát triển nóng của các văn phòng công chứng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh: “Việc thành lập các văn phòng công chứng tư nhân có dấu hiệu bị thả nổi, không theo quy hoạch nào cả, vượt quá quan hệ cung – cầu”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp: “Phát triển văn phòng công chứng quá nóng, nơi thừa, nơi thiếu. Dân không đồng tình cách làm quy hoạch như vậy. Ở đây rõ ràng có chuyện cấp phép vượt chỉ tiêu”.

Khẳng định “rất trăn trở việc này”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình bày: “Xã hội hóa công chứng thực hiện từ năm 2007 và công tác quản lý nghề này đúng là chưa theo kịp thực tế. Chúng ta cũng chưa lường hết được các vấn đề phát sinh. Lúng túng ban đầu là có. Với trách nhiệm quản lý của mình, Bộ Tư pháp đã yêu cầu các tỉnh, thành phố làm quy hoạch. Sau lại thấy các quy hoạch này thiếu thống nhất, nơi thừa, nơi thiếu nên Bộ mới đề xuất làm quy hoạch chung toàn quốc. Khi nhận thấy phát triển nóng, Bộ đã đề nghị tạm dừng cấp phép mới và sắp xếp lại hệ thống văn phòng đã có”.

Thống kê chưa phản ánh đúng thực tế

Tiếp tục truy trách nhiệm của Bộ Tư pháp, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chất vấn: “Sai phạm trong công chứng còn không ít, song Bộ nêu tỷ lệ vi phạm rất ít, vậy liệu số liệu thống kê có đúng không? Giải pháp nào tăng kiểm tra kiểm soát, bảo vệ lợi ích của người dân khi công chứng?”. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hỏi: “90% việc công chứng liên quan tới bất động sản. Vậy công chứng có liên quan gì tới các vụ việc lừa đảo bất động sản gần đây không?”.

Đồng tình với ĐB Nguyễn Anh Sơn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Tôi đồng tình con số vi phạm trong báo cáo thống kê chưa phản ánh đúng thực tế. Nhiều khi lãnh đạo tỉnh, thành phố khoán trắng cho Sở Tư pháp báo cáo nên cũng có trường hợp báo cáo thiếu trách nhiệm. Con số sai phạm còn phải kiểm chứng lại. Trước tình trạng còn các sai phạm, thậm chí không loại trừ cả trường hợp tiếp tay cho lừa đảo bất động sản như ĐBQH nêu, chúng tôi đã yêu cầu thanh tra tất cả các văn phòng công chứng để có con số khách quan và tìm biện pháp chấn chỉnh”. Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hải, Bộ trưởng nói: “Chắc chắn có hiện tượng như ĐB nêu. Lợi dụng kẽ hở pháp luật, có chuyện công chứng chứng nhận cho người ta vay tiền và cuối cùng không trả nợ được hoặc dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện. Đây là chưa nói người ta dùng giấy tờ giả mà công chứng viên không phát hiện ra...”.

Trích hoa hồng để lôi kéo khách hàng

ĐB Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật nêu vấn đề: “Người dân phản ánh công chứng trích hoa hồng cho ngân hàng để lôi kéo khách hàng, việc này có đúng không?”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Ngân hàng Nhà nước có nghe thông tin như vậy. Có thể giải thích là việc chi hoa hồng này nằm ngoài chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Việc này do thỏa thuận giữa hai bên. Dù vậy, chúng tôi sẽ xem xét, tìm biện pháp giải quyết thực trạng này...”.