Công chúng bực bội với lối sống xa hoa của thanh niên "con nhà quý tộc"

ANTD.VN - Lối sống của thanh niên tầng lớp thượng lưu Iran như những kỳ nghỉ xa xỉ, tiệc tùng hào nhoáng, dễ kiếm tiền và công việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng trong những tháng gần đây khi các lệnh trừng phạt của Mỹ siết chặt nền kinh tế nước này.

Bức ảnh được một tài khoản tự xưng là “Con nhà giàu của Tehran” đăng trên Instagram ngày 1-1-2019 với chú thích “Một ngày bình thường với các cô gái ở Tehran”

Bức tranh đối lập

Dễ dàng bắt gặp những “con nhà quý tộc” ở Iran khi họ phô trương sự giàu có trên mạng xã hội Instagram hay trên đường phố Thủ đô Tehran với quần áo hàng hiệu, xe hơi hào nhoáng và đi nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Có thể kể đến con trai của nhà ngoại giao Sasha Sobhani lang thang trên các hòn đảo của Hy Lạp hoặc du thuyền trang trí đầy rượu champagne.

Nổi tiếng không kém là một tài khoản Instagram có tên “Con nhà giàu của Tehran” giới thiệu cuộc sống sang chảnh của một số thanh niên nhà “siêu giàu” ở nước này, với các cảnh quay về những bữa tiệc bên bể bơi hay khu nghỉ dưỡng trên núi. Một video được đăng vào năm ngoái - đúng thời điểm nhiều cuộc biểu tình diễn ra vì điều kiện sống tồi tàn - cho thấy đám thanh niên mở tiệc trên máy bay tư nhân, với hóa đơn “khủng” tính bằng đô la Mỹ.

Cụm từ “Aghazadeh” theo tiếng Iran nghĩa là “con nhà quý tộc” xuất hiện vào những năm 1990, khi những đứa trẻ của giới tinh hoa nổi lên bằng cách sử dụng các mối quan hệ gia đình. “Họ sử dụng các vị trí của mình trong hệ thống phân cấp, truy cập thông tin nội bộ và sự ưu tiên để tích lũy sự giàu có và địa vị. Kiểu gia đình trị này nhân rộng ảnh hưởng qua các thế hệ”, bà Keith Suzanne Maloney, Phó Giám đốc Chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings đã viết về thế hệ “Aghazadeh” đầu tiên trong cuốn sách về “Kinh tế chính trị của Iran kể từ cuộc cách mạng” như vậy. 

Tuy nhiên, nền kinh tế của Iran hiện tại đang suy giảm khiến dân thường ngày càng cảm thấy khó khăn. Thực trạng đáng lo là tỷ lệ thất nghiệp cao, các mặt hàng thiết yếu khan hiếm và đồng tiền đã mất hơn một nửa giá trị vào năm ngoái. Tình hình thêm bế tắc khi Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt từ tháng 11-2018, cùng với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp ước hạt nhân mà Iran đàm phán với các cường quốc thế giới năm 2015.

Người dân phản đối đề bạt “con ông cháu cha”

Trước trào lưu này, người Iran đã bắt đầu lên tiếng chống lại sự bất bình đẳng và văn hóa gia đình trị của giới thượng lưu. Mùa hè năm ngoái, Mahdi Sadrossadati - một giáo sĩ nổi tiếng trên Instagram đã công khai chỉ trích Rasoul Tolouei - con trai của một chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng đã nghỉ hưu, vì những bài đăng về việc nuôi vật cưng là hổ trong nhà cùng tiệc xa hoa dành cho cô con gái 2 tuổi của mình. “Mọi người đang vật lộn để mua tã cho con nhỏ của họ. Thế anh đang sống ở quốc gia nào”, vị giáo sĩ viết.

Chính phủ Iran ý thức được rằng họ không thể cứ im lặng trước sự phẫn nộ của công chúng. Tháng trước, Kambiz Mehdizadeh - con rể của Tổng thống Hassan Rouhani đã bị buộc phải từ chức chỉ sau 2 ngày làm Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Iran sau khi dư luận công khai phản đối và xuất hiện những cáo buộc trực tuyến về chủ nghĩa thân hữu. Mehdizadeh (33 tuổi), trước đây đã từng làm cố vấn ở Bộ Dầu mỏ của Iran, nhưng đối với nhiều người Iran, mối quan hệ của anh ta với Tổng thống Rouhani là bằng chứng cho thấy sự thiên vị đang diễn ra.

Năm 2017, con trai của chính trị gia cải cách nổi tiếng Mohammad Reza Aref đã gây ra một “cơn bão mạng” khi lên tiếng rằng thành công trong cuộc sống của anh ta là kết quả của “gene tốt”. Thế nên, khi người cha lên Twitter kêu gọi người dân Iran làm việc chăm chỉ và đoàn kết hơn khi đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, một luật sư Iran đã châm biếm rằng “điều đầu tiên mà người Iran nên làm là loại bỏ những kẻ có “gene tốt”.

Giữa lúc xảy ra tranh cãi quanh việc bổ nhiệm con rể của ông Rouhani Mehdizadeh, một người Iran khác trên Twitter chỉ trích vị Bộ trưởng phê chuẩn việc đề bạt này. “Rõ ràng ông ta chỉ muốn làm hài lòng những người xung quanh bằng cách sử dụng những “gene tốt” thay vì tập trung vào các chuyên gia để giải quyết vấn đề”.