Công chức “cắp ô”, cán bộ tham nhũng có bị tinh giản biên chế?

ANTĐ - Ngày 20/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2014/CP về kế hoạch tinh giản biên chế 2014-2016. Dự kiến với kế hoạch này, trong 6 năm, sẽ giảm 100.000 biên chế trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Tổng cộng có 12 diện đối tượng sẽ bị tinh giản biên chế trong kế hoạch này, được quy định chi tiết trong Nghị định 108/2014/CP.
Công chức “cắp ô”, cán bộ tham nhũng có bị tinh giản biên chế? ảnh 1

Minh họa: Internet 

Tinh giản biên chế không phải là điều mới trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Đã nhiều kế hoạch, nhiều văn bản từ cấp cao nhất, ví dụ Nghị quyết số 16, ngày 18-10-2000 của Chính phủ; Nghị định số 132, ngày 8-8-2007, của Chính phủ về vấn đề này. Tuy nhiên, những kế hoạch này không góp phần tinh giản biên chế và ngân sách vẫn phải gánh khoản chi trả lương khổng lồ.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 tính đến hết năm 2012, tổng số biên chế CB, CC, VC từ Trung ương đến cấp huyện tăng lên 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); CB, CC, VC cấp xã tăng lên 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế). Trong 5 năm thực hiện Nghị định 132, cả nước có 67.389 người nghỉ thuộc diện “tinh giản biên chế”, thì có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Ðến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm 20%, làm cho bộ máy ngày càng phình to. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu CB,CC,VC đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước. Ðội ngũ CB,CC,VC ngày càng tăng, nhưng hiệu quả công việc vẫn thấp. Vậy chúng ta có thể hy vọng gì với Nghị định 108/2014/CP?

Những điểm mới của kế hoạch tinh giản biên chế

Tinh giản biên chế nếu hiểu thực chất là một việc làm thường xuyên của bộ máy hành chính, của nền công vụ. Việc làm này là cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, phục vụ cho việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả.

Trước đây, chúng ta tập trung sự quan tâm tới các việc tinh giản biên chế tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, lần này, Nghị định 108/CP đã quan tâm tới việc tinh giản biên chế tại các tổ chức quần chúng, các hội, đoàn thể có chỉ tiêu hưởng lương ngân sách và không chỉ quan tâm tới việc tinh giản chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức mà còn tinh giản tới các chỉ tiêu hợp đồng lao động không thời hạn trong toàn bộ lực lượng hưởng lương ngân sách.

Cũng lần đầu tiên, những tiêu chuẩn của các CB,CC,VC làm việc kém hiệu quả được quy định để xếp vào diện tinh giản biên chế. Thực tế chỉ có trên 34% CB,CC,VC là hoàn thành tốt nhiệm vụ và có tới 30% trong lực lượng này rơi vào dạng “sớm cắp ô đi, tối cắp về”, hiệu quả công tác rất kém. Đối tượng giảm biên chế trong kế hoạch này rõ ràng nhắm đến những đối tượng này. Tinh giản biên chế cũng không chỉ chú ý tới lực lượng cán bộ thừa hành, có 5 diện đối tượng là Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng… của công ty Nhà nước, dôi dư sau khi cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như Giám đốc, Phó Giám đốc… các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại. Những người được cử làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi thôi làm chức trách này nhưng không bố trí được vị trí công tác mới, cũng có thể bị tinh giản.

Nghị định 108/CP quy định những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. Cũng theo Nghị định, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề cho hưởng nguyên lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, tối đa là 6 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội; trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục. Các đối tượng thôi việc trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. 

Ai sẽ bị tinh giản?

Băn khoăn lớn nhất, theo chính lãnh đạo Bộ Nội vụ giải thích khi trình dự thảo nghị định lên Thủ tướng Chính phủ là số người cần tinh giản biên chế đợt này theo dự thảo có tới khoảng 80% số người nằm ở độ tuổi sắp về hưu. Con số 100.000 người tinh giản biên chế, trong đó 80% về hưu trước tuổi sẽ làm tăng nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội do bổ sung một số lượng lớn người về hưu trước tuổi. Mặt khác, rất nhiều người trong độ tuổi về hưu sớm lại là những người có kinh nghiệm, có tinh thần làm việc tốt, nhiều người đóng vai trò quan trọng trong cơ quan mặc dù không giữ những chức vụ quan trọng. Việc chú ý tới các đối tượng này sẽ làm kế hoạch không đảm bảo được mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. 

Một sự băn khoăn nữa là về tính công bằng, minh bạch khi đặt vai trò quyết định giảm biên chế vào tay người đứng đầu đơn vị, nên dễ xảy ra tình trạng lợi dụng giảm biên chế để trù dập, bè phái, tiêu cực về tiền bạc hay nâng đỡ người quen khiến người có thực lực có khi lại mất việc, kẻ yếu kém lại tại vị. Dù quy định các tiêu chí, định mức thực hiện công việc và các tiêu chuẩn khác một cách chi tiết, cụ thể, chặt chẽ và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể, người lãnh đạo khó có thể một mình thay đổi được kết quả, việc tiêu cực sẽ khó hơn rất nhiều, nhưng cũng không thể loại bỏ khả năng này. Do vậy, mấu chốt là đánh giá đúng chất lượng đội ngũ công chức ở từng vị trí làm việc, do đó cần áp dụng hai cách đánh giá cùng lúc: thứ nhất CB,CC,VC tự khai, tự đánh giá mình sau đó tập thể, cơ quan xem xét; thứ hai đó là để một tổ chức chuyên môn đánh giá độc lập một cách khách quan và có thẩm quyền, còn đánh giá nội bộ chỉ để tham khảo. Điều đó có nghĩa là sẽ không có chuyện con ông, cháu cha không làm được việc thì được giữ lại và ông thủ trưởng cũng không dễ gì loại bỏ người làm được việc. Còn cứ để thủ trưởng đánh giá có khi người tốt chưa chắc đã tồn tại, những anh “lờ vờ” nhưng quan hệ tốt lại được dùng.

Một băn khoăn nữa là, trong 12 trường hợp là mục tiêu của đợt tinh giản biên chế này đều không đề cập những đối tượng CB, CC,VC đã bị xử lý kỷ luật vì dính líu tới tiêu cực, tham nhũng hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp (mà chưa tới mức bị xử lý hình sự), trong khi những đối tượng này phải là những đối tượng đầu tiên bị loại khỏi đội ngũ CB,CC,VC. Cần quy định thêm trường hợp những CB, CC,VC đã bị xử lý kỷ luật mà còn mắc khuyết điểm thì cần loại ngay ra khỏi đội ngũ CB,CC,VC không cần chờ tới hai năm đánh giá hiệu quả công tác. 

Còn một băn khoăn cuối cùng chính là về khoản chi khổng lồ cho kế hoạch tinh giản biên chế. Bộ Nội vụ dự kiến trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, 20% còn lại là giải quyết thôi việc.

Dự kiến kinh phí bình quân 1 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, 1 người thôi việc là 90 triệu đồng. Do vậy, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong 6 năm hết khoảng 8.000 tỷ đồng. Như vậy, khác với những công nhân tại các doanh nghiệp (DN) có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), khi hết việc, DN giải thể... công nhân chỉ hưởng chế độ BHXH thì các CB,CC,VC ngoài chế độ bảo hiểm còn được hưởng những chế độ trợ cấp hậu hĩnh. Trong khi việc nằm trong diện tinh giản biên chế hầu hết là do chất lượng công tác quá kém, không đảm bảo được công việc, với công nhân tại các DN, không đảm bảo được công việc chỉ có mỗi chế độ, đó là sa thải, không có bất kỳ khoản trợ cấp nào. Khoản trợ cấp này thực chất là phần thưởng để các CB,CC,VC rời khỏi biên chế. Dư luận có nhiều băn khoăn là hợp lý. Khoản trợ cấp này không chỉ tiêu tốn một khoản ngân sách lớn, trong khi thu ngân sách mỗi ngày một khó khăn. Nên chăng, cần có sự sửa đổi để tất cả những CB,CC,VC không hoàn thành nhiệm vụ phải bị sa thải như các mọi người lao động trong xã hội, chỉ được hưởng các chế độ trong chính sách BHXH. Lưu ý, nếu theo tinh thần của Nghị định 108/CP, tinh giản biên chế 10 người được tuyển mới 5 người thì con số thực giảm chỉ 50.000 người, bình quân phải chi hỗ trợ trên số người thực giảm là quá lớn, tới 160 triệu/chỉ tiêu giảm biên chế.

Nghị định quy định, cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Dôi dư do rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nhân sự, vị trí việc làm, hoặc chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn. Nằm trong diện tinh giản biên chế trong kế hoạch này còn có những trường hợp không đảm bảo chất lượng và đạo đức của cán bộ công chức viên chức như: Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hạn chế, hoặc có số lượng ngày nghỉ nhiều, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.