Công bố thủ phạm "làm khổ" các nhà mạng lớn tại Hà Nội

ANTD.VN - Thời gian qua, rất nhiều nhà mạng gặp tình trạng can nhiễu mạng thông tin di động làm giảm chất lượng dịch vụ. Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định nguyên nhân của tình trạng này là do các thiết bị trạm lặp (thiết bị kích sóng) và thiết bị điện thoại không dây kéo dài (điện thoại mẹ - con).

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Cục Tần số vô tuyến điện) cho biết, thời gian qua đã nhận được rất nhiều kháng nghị can nhiễu từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động như Viettel, MobiFone, Vinaphone.

 Qua rà soát, trong năm 2015, Trung tâm đã phát hiện và xử lý trên 200 trường hợp và trong 10 tháng đầu năm 2016 là trên 100 trường hợp sử dụng thiết bị trạm lặp. Đối với thiết bị kéo dài không dây, trong nửa năm 2016 đã phát hiện ra trên 70 trường hợp gây can nhiễu. “Với số lượng nguồn nhiễu nhiều như vậy đã ảnh hưởng đến rất nhiều trạm thu phát gốc trên phạm vi rất rộng ở khu vực Hà Nội làm giảm chất lượng dịch vụ của các nhà mạng như tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G” - ông Lê Văn Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực I cho biết.

Công bố thủ phạm "làm khổ" các nhà mạng lớn tại Hà Nội ảnh 1Các thiết bị gây nhiễu sóng được Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I thu giữ

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lê Văn Tuyên là do tại Hà Nội, do mật độ nhà cửa rất lớn, nhiều khu nhà cao tầng tín hiệu di động bị suy hao, người dân không thu được tín hiệu nên đã tự ý mua các thiết bị trạm lặp trôi nổi trên thị trường để lắp đặt và sử dụng. Các thiết trạm lặp trôi nổi trên thị trường thường không được chứng nhận hợp qui, không bảo đảm chất lượng, cùng với việc lắp đặt không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến mạng thông tin di động khi sử dụng.

Còn với điện thoại không dây kéo dài chuẩn DECT gây can nhiễu chủ yếu được sản xuất và sử dụng tại thị trường Bắc Mỹ và Canada, được đưa về Việt Nam thông qua hình thức quà biếu tặng hoặc hàng xách tay. Loại điện thoại gây nhiễu này hoạt động trên dải tần số 1920-1930MHz, trùng với dải tần số đã cấp phép cho mạng di động 3G ở Việt Nam, do đó gây can nhiễu đến các mạng thông tin di động. Hiện tượng can nhiễu đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng thông tin di động của mạng Mobifone ở các quận nội thành Hà Nội, tăng cao khi Mobifone triển khai thêm các trạm phát để đảm bảo sóng 3G cho người dân sử dụng.

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I cho biết, quá trình giải quyết với các tổ chức, hộ gia đình về các thiết bị trạm lặp và điện thoại kéo dài không dây gây nhiễu đã gặp một số khó khăn do người dân chưa hiểu rõ qui định của pháp luật trong lĩnh vực này. Đặc biệt, việc xử lý người dân sử dụng máy điện thoại kéo dài không dây chuẩn DECT 6.0 gặp phản ứng mạnh của người dân, rất nhiều người dân không biết việc sử dụng loại điện thoại này là gây can nhiễu đến mạng thông tin di động, là vi phạm Pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giải thích, tuyên truyền, đa số người dân đều đã chấp hành quyết định xử lý.

Cần phải nói thêm, việc người dân tự ý lắp đặt và sử dụng thiết bị trạm lặp và điện thoại không dây không đúng qui hoạch phổ tần là vi phạm pháp luật. Trường hợp sử dụng các thiết bị gây nhiễu mạng thông tin di động sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu theo khoản 3, điều 90 Nghị định 174/2013/ND-CP ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện và tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm. Trường hợp cố ý gây nhiễu sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng theo khoản 5 điều 90 của Nghị định này.

Vì vậy, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng các thiết bị này. “Khi gặp tình trạng chất lượng tín hiệu không bảo đảm, khách hàng cần thực hiện gửi khiếu nại bằng văn bản cho nhà mạng để khiếu nại về chất lượng dịch vụ. Nhà mạng sẽ có giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Về phía nhà mạng, nên tăng cường rà soát chất lượng của mình để hướng đến cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hành và cùng chúng tôi giải quyết tốt tình trạng can nhiễu do thiết bị trạm lặp gây ra. Còn nếu có nhu cầu sử dụng điện thoại không dây, người dân nên mua những loại đã được dán nhãn chứng nhận hợp qui và tem chất lượng, đồng thời tham khảo thêm thông tin về thiết bị trên trang web của Cục Tần số vô tuyến điện” - ông Lê Văn Tuyên nói.

Cũng theo ông Tuyên, đến nay Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện được trên 180 chủng loại điện thoại không dây kéo dài chuẩn DECT 6.0 gây nhiễu cho mạng di động 3G không được sử dụng tại Việt Nam. Danh sách này được đăng tải trên trang Web của Cục để người dân biết tránh mua và sử dụng, đồng thời cũng đăng tải danh sách các loại điện thoại không dây kéo dài được phép sử dụng tại Việt Nam để người dân chọn lựa.