Công bố kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu: Có móc ngoặc giữa doanh nghiệp và đại lý?

ANTĐ - Tuần qua, hầu hết các tờ báo đều đưa tin về việc Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, Saigon Petro, PV Oil, và Petimex tại thời điểm 30-6 và 26-8. Kết quả công bố của Bộ Tài chính không khiến dư luận bất ngờ, song qua đó cũng phơi bày những tồn tại khó hiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều làm dư luận lo ngại là đằng sau câu chuyện “chiết khấu cho đại lý” là gì và chênh lệch giá giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ rơi vào túi ai?


Gáo nước lạnh

Mạnh tay chi “hoa hồng”, chiết khấu thậm chí là bán dưới giá cho các cửa hàng, đại lý là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu liên tục kêu lỗ. Cuộc kiểm tra mới đây của Bộ Tài chính tại một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã “hé lộ” những bất cập trong công tác quản trị doanh nghiệp, tình trạng thiếu minh bạch trong việc xác định lỗ, lãi của các doanh nghiệp này.

Trước những thông tin do cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cung cấp,  dư luận vẫn chưa thực sự cảm thấy thỏa đáng. Câu chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp giống như một mớ bòng bong. Cùng với đó, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua khiến người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi vì giá xăng tăng nhanh, giảm chậm. Khi lỗ thì doanh nghiệp ngay lập tức đề nghị xin tăng giá để bù lỗ, còn khi có lãi không thấy doanh nghiệp nào lên tiếng đề nghị chia sẻ lợi ích với người dân. Lần điều chỉnh giảm giá xăng gần đây nhất là minh chứng rõ ràng nhất. Trong khi doanh nghiệp có lãi và đủ điều kiện để giảm giá bán nhưng chỉ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng thì giá xăng mới được điều chỉnh giảm. Như vậy có thể thấy, việc minh bạch giá bán các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu là một đòi hỏi bức thiết của dư luận trong suốt thời gian qua.

Niềm tin của người tiêu dùng ngày càng bị thử thách, khi trong suốt một thời gian dài Petrolimex - doanh nghiệp nắm giữ 60% thị phần kinh doanh trên thị trường xăng dầu liên tục kêu lỗ do. Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên việc ông Tổng Giám đốc Petrolimex đăng đàn để chỉ trích quyết định giảm giá xăng ngày 26-8 là một quyết định sai lầm, bởi chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011, Petrolimex đã lỗ tới 1.800 tỷ đồng, ước hết tháng 9 lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng... Cho tới thời điểm này, khi kết quả kiểm tra đã được công bố, sự thật rõ ràng là số lãi cao nhất thuộc về chính doanh nghiệp này với tổng số lãi ước 130 tỷ đồng. Tương tự, Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỷ đồng. Petimex báo lỗ 55,23 tỷ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỷ đồng.

Những con số là minh chứng rõ ràng nhất. Khẳng định của Bộ Tài chính cũng hết sức rõ ràng: “Nếu doanh nghiệp thực hiện theo mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì hoạt động kinh doanh xăng dầu đều có lãi. Tuy nhiên, sở dĩ nhiều doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ là do định mức hao hụt xăng dầu quá lớn, chênh lệch tỷ giá cao và đặc biệt, chi phí thù lao đại lý vượt mức so với quy định”.

Cùng những con số minh chứng về tình hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, cuộc kiểm tra đã phơi bày nhiều vấn đề đã và đang tồn tại ở những doanh nghiệp này cũng như những tồn tại trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đoàn kiểm tra đã làm rõ những bất cập về cách tính định mức hao hụt, thực trạng đầu tư ra ngoài ngành và công tác quản lý quỹ bình ổn giá tại các đầu mối xăng dầu. Thực tế này cho thấy, còn quá nhiều vấn đề cần được nhanh chóng rà soát, kiểm tra và kết luận cụ thể để từ đó xây dựng một phương hướng điều hành giá xăng, dầu theo đúng chủ trương của Chính phủ.


Doanh nghiệp chưa chia sẻ khó khăn

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận là việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã “vung tay” chi thù lao cho đại lý khiến “con lãi, mẹ lỗ”. Kết quả kiểm tra cho thấy, chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp vượt định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở, chi thù lao đại lý tại một số thời điểm cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở. Cụ thể tại Petrolimex, theo số liệu báo cáo của đơn vị, tổng chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp là trên 3.000 tỷ đồng, riêng mức chi thù lao đại lý đã là trên 583 tỷ đồng. Tình trạng này cũng tương tự ở những doanh nghiệp khác.

Nhìn nhận về thực trạng này, đại diện Bộ Tài chính – Thứ trưởng Vũ Thị Mai thừa nhận: “Do không có một quy định về thù lao đại lý và chi phí kinh doanh nên thù lao đại lý đã biến động từ chỗ thấp lên chỗ cao, có thời điểm chỉ 100 đồng/lít, nhưng có lúc tại lên tới gần 1.000 đồng/lít. Việc làm này của các doanh nghiệp ở thời điểm thị trường đang chịu áp lực từ giá xăng dầu thế giới, Chính phủ, Đảng, Nhà nước đang cố gắng để tăng cường biện pháp kiềm chế lạm phát, là doanh nghiệp chưa biết chia sẻ khó khăn cùng người dân và Nhà nước”.

Dư luận đòi hỏi cần phải tiếp tục làm rõ xem đằng sau câu chuyện “chiết khấu cho đại lý” của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là gì? Đó có phải là việc chuyển hóa tiền lãi từ “dạng này sang dạng khác”. Câu hỏi được đặt ra là có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xăng dầu với các đại lý hay không, cần phải làm rõ.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Thanh Niên còn dẫn lời Phó viện trưởng Viện Khoa học tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng thông thường các hành vi chuyển giá chỉ xuất hiện tại các tập đoàn xuyên quốc gia, ở Việt Nam muốn xác định được phải thanh tra, kiểm toán để làm rõ. Tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định nếu Công ty “mẹ” chuyển lợi nhuận cho Công ty “con” hạch toán độc lập, cũng sẽ làm thay đổi lợi ích cục bộ của toàn Tổng công ty. Khi đó, Công ty “mẹ” sẽ bớt được phần thuế, phần nộp ngân sách cho Nhà nước. Trong trường hợp của Petrolimex, theo ông Tuyến có thể khẳng định ngay hành vi bán dưới giá vốn là hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, phải bị xử phạt. Còn động cơ có thể nhìn thấy rõ như ban ngày là vin vào lý do bình ổn giá, thích lỗ to để dọn đường đòi tăng giá, chấp nhận bán lỗ để nuôi các đại lý, sợ mất thị phần, mất độc quyền.

Chúng tôi cho rằng phân tích của ông Nguyễn Ngọc Tuyến đáng được các nhà chức trách lưu tâm làm rõ.