Công bố danh tính người mua dâm mới công bằng

ANTĐ - Thời gian qua, dư luận xã hội đổ dồn mọi sự quan tâm, chú ý vào đường dây bán dâm cao cấp của người đẹp Mỹ Xuân bị phát giác. Hầu hết những “thành viên” thực hiện hành vi bán dâm lần lượt được công khai đều là những người có sắc và nổi tiếng. cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khai thác và nắm được danh tính của những vị khách lắm tiền mua dâm. Thế nhưng câu chuyện bên lề của vụ việc này được dư luận xã hội tiếp tục “thổi” độ “nóng” lên đỉnh điểm khi đề cập đến nguyên nhân tại sao gái bán dâm thì bị công khai danh tính, còn người mua dâm vẫn ung dung vì tên tuổi đang được giữ kín (?!) 

Không công bằng

Thực tế đang diễn ra cho thấy quy định hiện hành trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm đang làm nảy sinh những tranh cãi nhiều chiều. Nhiều người cho rằng không công khai người mua dâm trên các phương tiện truyền thông đại chúng là trái với quy định của pháp luật. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không công khai người mua dâm là không công bằng bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Theo chiều hướng này sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu đó là, người bán thì chẳng ngại ngần gì mà không bán, còn người mua thì cứ mặc sức mà mua. Tiến sỹ Tâm lý Nguyễn Minh Ngọc cho rằng: “Nhiều người mua dâm sau khi bị phát hiện đã sợ ảnh hưởng đến gia đình, công việc và bằng mọi cách che giấu đi hành động đó. Nhưng có ít ai biết rằng lối sống văn hóa của những người mua dâm đang ngày càng biến chất”... 

Hiện nay pháp luật hiện nay chỉ xử lý hình sự tội chứa chấp mại dâm, môi giới mại dâm và mua dâm vị thành niên. Còn người mua dâm chỉ xử lý hành chính. Người nữ bán dâm sẽ được đi phục hồi nhân phẩm, hoặc trả về địa phương sau khi nộp tiền phạt. Việc công bố danh tính phụ nữ bán dâm mà không công bố khách mua dâm là không công bằng. Có thể nói hành vi mua bán dâm bị phát hiện thì cả bên mua và bên bán đều là những người vi phạm và phải công bố danh tính cả hai người.

Một vấn đề nữa nảy sinh đó là nhiều trường hợp cơ quan chức năng bắt quả tang hành vi mua bán dâm nhưng danh tính của người mua dâm lại không hoàn toàn chính xác. Về nguyên tắc khi lập biên bản, cả hai bên phải xuất trình giấy tờ, CMND và ký vào biên bản tại hiện trường. Sau đó cơ quan chức năng sẽ gửi giấy vi phạm về chính quyền địa phương, nơi công tác của những khách mua dâm. Nhưng không ít trường hợp khách mua dâm lại viện nhiều lý do để thoái thác trách nhiệm như quên giấy tờ, không mang theo CMND để khai láo, thay đổi thông tin cá nhân nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật đều có chung ý kiến rằng cần xử lý mạnh tay hơn nữa với những vị khách mua dâm bằng cách công khai tên tuổi, địa chỉ chính xác trên các phương tiện truyền thông, sau đó gửi biên bản vi phạm về chính quyền địa phương, cơ quan công tác. Đặc biệt cần tăng mức xử phát hành chính đối với người mua dâm để tránh việc dư luận xã hội cho rằng vẫn còn “trọng nam khinh nữ” - đàn ông mới là người được bảo vệ còn phụ nữ thì không - đối với tệ nạn mại dâm.  

Có phải là nhân đạo(?) 

Tệ nạn mại dâm hiện nay tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp. Đối tượng bán dâm giờ đây bao gồm nhiều ngành nghề, lớp người trong xã hội; chưa kể đến những biến thể khác của tệ nạn mại dâm. Từ thực trạng đang diễn ra cho thấy những hành vi mua bán dâm ngày càng tinh vi, kín đáo và thường hoạt động theo tổ chức, có đường dây môi giới, dẫn khách rõ ràng. Đặc biệt hơn khi xã hội hiện đại, cuộc sống “phi mã”… “sản sinh” ra một lớp người lắm tiền nhiều của, bỗng dưng giàu có chuộng lối sống hưởng thụ. Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH trên Báo Tuổi trẻ đã trao đổi: “Pháp lệnh Phòng chống mại dâm  quy định ngoài việc xử phạt hành chính tại hiện trường đối tượng mua và bán dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở và giáo dục.

Người mua dâm là cán bộ công chức, đảng viên… thì tên tuổi sẽ được thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Pháp lệnh đã quy định rất rõ ràng, nhưng thực tế các trường hợp bị xử lý vi phạm theo điều khoản này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, hay nói cách khác việc thực thi pháp lệnh thực tế chưa đúng, chưa đủ, số người mua dâm bị thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị còn rất ít”. Việc công bố danh tính người mua dâm ngoài răn đe thì cũng tính đến các hệ lụy khác. Theo ý kiến của ông Lê Đức Hiền thì đây là một vấn đề lớn của xã hội, cần xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng bởi nó liên quan tới cuộ sống sau này của gia đình người mua dâm.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn trên phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng việc không công bố danh tính người mua dâm là thể hiện sự nhân đạo, nhưng tại sao nhân đạo lại chỉ từ một phía? Điều này chưa thật sự thuyết phục. Trong khi nhiều gái bán dâm bị công khai hình ảnh, tên tuổi ê chề trên báo, thì các đối tượng mua dâm vẫn hả hê rung đùi. Chúng ta lo sự nghiệp, công việc, gia đình, con cái người mua dâm bị ảnh hưởng, vậy những người bán dâm cũng phải được hưởng những điều đó lắm chứ?...

Nên hay không(?)  

Sau vụ việc đường dây chân dài bán dâm cao cấp bị phát hiện, cộng đồng trong xã hội mới chỉ dừng lại ở việc lên án và tò mò xem danh tính của những người bán dâm, nhưng dư luận đặt câu hỏi tại sao cho đến thời điểm này vẫn chưa có một cái tên người mua dâm được công bố (?).  

Ngoài ra, chế tài áp dụng xử phạt đối với những người mua dâm chưa đủ sức nặng, chưa được thực hiện nghiêm túc cũng làm tính răn đe, giáo dục trở nên “nhẹ cân” hơn.  Nhận định về vấn đề nên hay không nên công bố danh tính của người mua dâm, nhà xã hội học Hà Ánh Bình nhận định: “Việc coi nặng hay nhẹ, nên hay không nên giữa đối tượng mua và bán dâm là hết sức khập khiễng. Điều quan trọng hơn chúng ta cần nhìn vào biện pháp xử lý - đó là hình phạt phải mang tính ngăn chặn, giáo dục đối với tất cả những người vi phạm - bên bán và bên mua - bởi có cầu thì ắt sẽ có cung.

Vì thế để công bằng thì hình thức xử lý đối với “người có cầu” cũng nên tương xứng với với “người cung”, chứ không phải danh tính của người bán dâm thì bị công bố, còn người mua dâm thì được bảo vệ, giữ kín”. Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH, Bộ Công an trên báo chí cho rằng, việc công khai danh tính người mua dâm và bán dâm có tác dụng ngăn chặn tệ nạn xã hội này. Đây là hoạt động “có cầu có cung” nên phải xử lý cả từ 2 phía là người mua dâm và người bán dâm. Danh tính của người bán dâm được công khai thì danh tính của người mua dâm cũng phải công khai.

Thực tế bên cạnh việc xử lý những người bán dâm thì vấn đề có nên công bố tên người mua dâm hay không cần phải cân nhắc một cách kỹ càng bởi vẫn có đó nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Song dư luận có vẻ như vẫn nghiêng về việc phải công bố danh tính người mua dâm. Giáo dục nhận thức cho các cô gái, tạo công ăn việc làm để sau khi phục hồi nhân phẩm để họ không tái phạm mới giải quyết được vế thứ nhất. Vế còn lại là việc nâng mức xử phạt, công khai danh tính của người mua dâm cũng không hẳn thiếu cơ sở bởi đó sẽ là bài học đắt giá cho những người khác. Mại dâm là một tệ nạn xã hội, công khai hành vi xử phạt cũng như công khai tên tuổi của tất cả những người vi phạm cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để dần xóa bỏ tệ nạn nhức nhối xã hội này. Đã coi hành vi mua bán dâm là trái pháp luật, thì bất cứ ai vi phạm đều phải bị xử lý.