Công an Hà Nội: Vững chốt, chắc đường, bền bỉ chặn “giặc” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dai dẳng, nguy hiểm, diễn biến khó lường… là những đặc tính của “giặc” Covid-19 trong thời gian qua. Với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng chung tay phòng chống dịch, lực lượng Công an Hà Nội sẵn sàng chủ động tiên phong, sẵn sàng quên mình vì an toàn sức khỏe của nhân dân.
Không quản ngại mưa gió, các lực lượng làm nhiệm vụ vẫn bám chốt kiểm soát để phòng ngừa dịch bệnh lây lan

Không quản ngại mưa gió, các lực lượng làm nhiệm vụ vẫn bám chốt kiểm soát để phòng ngừa dịch bệnh lây lan

Chặn “giặc” từ xa

Bắt đầu từ 6h ngày 14-7-2021, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo CATP phối hợp cùng lực lượng chức năng triển khai 22 chốt kiểm soát phương tiện tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô để phòng chống dịch Covid-19. Mỗi chốt kiểm soát có 10 người, gồm thanh tra giao thông, cán bộ y tế, cán bộ tư pháp cấp huyện và lực lượng CSGT. Lãnh đạo UBND TP cũng đã thống nhất chủ trương giao lãnh đạo các quận, huyện, thị xã ký quyết định thành lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, và cùng triển khai từ ngày 14-7. Trước đó, đầu tháng 4-2020, UBND TP cũng đã chỉ đạo triển khai 30 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố.

Mỗi ngày, 23 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ thành phố đã kiểm soát trên 2 vạn lượt phương tiện, 2 vạn người; yêu cầu quay đầu 7.000 - 8.000 lượt phương tiện không đủ an toàn phòng chống dịch; phun khử khuẩn 4.000 -5.000 phương tiện…

Chia sẻ về tính mục đích của 2 đợt triển khai nói trên, Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội nêu rõ: “Điểm chung của cả 2 đợt triển khai là quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của các lực lượng thực thi nhiệm vụ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vất vả, đương đầu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân thành phố. Tuy nhiên, nếu như đợt triển khai đầu tiên, lực lượng chức năng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch thì lần này các chốt trực đã quán triệt chỉ đạo kiểm soát chặt người, phương tiện, không để dịch bệnh xâm nhập vào Hà Nội”.

Xác định rõ vai trò của lực lượng CSGT ở các điểm chốt, trong tuần đầu tiên, Ban chỉ huy Phòng CSGT thường xuyên kiểm tra, động viên từng điểm chốt để đánh giá thực tiễn tình hình, từ đó chủ động, linh hoạt bố trí, điều chỉnh nhân lực, vật lực, sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Qua kiểm tra, những bất hợp lý đã được Phòng CSGT đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, đảm bảo kiểm soát triệt để phương tiện, người liên quan đến các vùng dịch theo thông báo của cơ quan y tế, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không “ngăn sông cấm chợ”.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP kiểm tra tại một chốt phòng chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ Thủ đô

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP kiểm tra tại một chốt phòng chống dịch Covid-19 ở cửa ngõ Thủ đô

Ngay khi triển khai các chốt, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã nhiều lần đi kiểm tra, động viên CBCS tham gia làm nhiệm vụ. Từ đó kịp thời nắm bắt những vấn đề nảy sinh, có giải pháp điều chỉnh để vừa đảm bảo chống dịch, vừa tạo thuận lợi nhất cho các phương tiện và người dân di chuyển.

Trong đó, từ ngày 25-7, CATP đã đề xuất thành lập chốt 23 tại địa bàn huyện Sóc Sơn. Cùng với đó, quyết định bổ sung lực lượng tổ chức kiểm soát 2 chiều tại 6 chốt: ngã ba Cầu Giẽ, Km213 QL1A, huyện Phú Xuyên; Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, huyện Thanh Trì; QL5 (cây xăng Vĩnh An, số 1051 Nguyễn Đức Thuận, Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm); cầu Phù Đổng - cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (huyện Gia Lâm); gầm cầu Thanh Trì - lối đi Ecopark (quận Long Biên); nút giao QL5B - Cổ Linh (quận Long Biên). Tại các buổi kiểm tra, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP cũng lưu ý các tổ công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch. Kiểm soát kỹ người và phương tiện từ những tỉnh ngoài, nhất là các tỉnh đang có dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân đi lại, đặc biệt xét nghiệm nhanh đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, không để dịch xâm nhập vào thành phố.

Đồng cảm, sẻ chia với các lực lượng làm nhiệm vụ, nhiều người dân đã không tiếc thời gian, công sức để cùng đồng lòng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Tại điểm chốt tại đầu cầu Trung Hà (huyện Ba Vì), gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng và người thân ở xã Thái Hòa đã trở thành những cấp dưỡng tình nguyện cho tổ công tác. Những suất cơm nóng hổi được chu đáo để trong cặp lồng mang đến tận điểm chốt là tình cảm trân quý, đùm bọc của nhân dân dành cho lực lượng tham gia chống dịch đang vất vả ngày đêm.

Tại điểm chốt số 14 thuộc xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), gia đình anh Nguyễn Hữu Tuân đã tạo điều kiện để tổ công tác sử dụng nhà, dùng điện nước miễn phí khi làm nhiệm vụ. Nhiều người dân đã hỗ trợ, sẻ chia bằng vật chất, tình cảm, khi thì thùng nước, thùng mì tôm, chục trứng gà, hay hoa quả họ hái trong vườn. Những tấm lòng thơm thảo của người dân xuất phát từ việc muốn san sẻ đỡ những vất vả của người chiến sỹ làm nhiệm vụ và chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Ngăn nguy cơ… sát sườn

Ngay sau khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND TP về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, CATP đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách, phù hợp với tình hình, đặc thù địa bàn.

Trong những ngày đầu giãn cách xã hội, công an các quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Với quan điểm “chú trọng công tác tuyên truyền là chính” kết hợp “mềm dẻo nhưng cương quyết”, công an các đơn vị đã bố trí các chốt “cứng”, tổ công tác cơ động để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Các chốt trên địa bàn thành phố được bố trí nhiều lớp, nhiều vòng tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người. Trên địa bàn quận Đống Đa, CAQ đã tham mưu UBND quận chỉ đạo các phường thành lập 64 chốt “cứng” tại các địa bàn, bao gồm các lực lượng công an, y tế, cán bộ UBND phường, thanh niên, bảo vệ dân phố, dân phòng... làm việc 24/24h để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, UBND các phường cũng tiến hành dựng lều dã chiến để đảm bảo các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết.

Chốt kiểm soát, xử lý các trường hợp ra khỏi nhà không vì mục đích thiết yếu trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Chốt kiểm soát, xử lý các trường hợp ra khỏi nhà không vì mục đích thiết yếu trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Bắt đầu từ 6h30 ngày 29-7, đồng loạt 18 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng triển khai các chốt “cứng” và các tổ tuần tra kiểm soát lưu động để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội. Chỉ huy Đội CSGT-TT CAQ Hai Bà Trưng cho biết: “Chốt kiểm soát “cứng” ở từng phường được xác định là chốt “lõi”. Ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu Ban chỉ huy CAQ đề xuất Quận ủy, UBND quận cho triển khai thêm 3 lớp kiểm tra tại: các địa bàn giáp ranh giữa phường với phường trong quận; giữa các phường của quận giáp ranh với các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân; lớp kiểm tra khép kín toàn địa bàn”. Với quyết tâm không để dịch lan sang các xã lân cận, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã triển khai 166 chốt, trong đó có 13 chốt với các huyện giáp ranh. Ngoài ra, huyện đã kích hoạt 46 tổ tuần tra, kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội, mỗi xã 2 tổ cơ động khép kín địa bàn. Tại các xóm, thôn, các chốt kiểm soát nghiêm ngặt việc người dân ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Tất cả các trường hợp đều được đo nhiệt độ để rà soát cộng đồng.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, sau 8 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP, đại bộ phận người dân đã có nhận thức và chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng nhiều người ra ngoài với lý do không chính đáng. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa tuân thủ việc giãn cách người lao động. Trước tình trạng trên, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã quyết liệt triển khai yêu cầu, biện pháp của Chỉ thị số 17 và từ tối 28, sáng 29-7, các địa bàn đã triển khai xong các chốt “cứng” để kiểm soát việc ra đường không vì mục đích thiết yếu.

Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết, với trách nhiệm, vai trò của mình, CATP đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã chủ động và tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở bố trí hợp lý nhân lực cũng như vị trí các chốt kiểm tra, xử lý người vi phạm quy định giãn cách xã hội. Tinh thần chung của Hà Nội là tăng cường tuần tra lưu động, hạn chế không để xảy ra ùn ứ ở các chốt “cứng”; chú trọng kiểm soát người, phương tiện ra vào vùng “lõi” các khu dân cư; chợ dân sinh, địa bàn công cộng. Tuyệt đối không để người dân ra ngoài mà không có lý do chính đáng, đặc biệt tại các địa bàn có các trường hợp F0, F1…

Lực lượng Công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch

Lực lượng Công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch

Qua ghi nhận thực tế tại các chốt, thấy rằng vẫn còn nhiều trường hợp người dân ra ngoài vì mục đích không thiết yếu. Có đến cả “nghìn lẻ một” lý do được trình bày trước các tổ công tác biện minh cho việc ra ngoài không thiết yếu... Trước tình trạng trên, CATP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo đó, từ ngày 24-7 đến 31-7, các đơn vị thuộc CATP đã xử phạt hơn 8 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

PGS - TS Ngô Văn Giá: Vi phạm giãn cách xã hội có thể tự biến mình thành nguồn lây dịch bệnh

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 là điều cần thiết. Chúng ta cần hiểu rằng, việc ra đường không cần thiết lúc này là rất nguy hiểm, có thể khiến chúng ta tiếp xúc với nguồn lây mà không biết, hoặc chính chúng ta trở thành nguồn lây. Dịch bệnh là kẻ thù vô hình, vì vậy lúc này ở nhà là cách để phòng tránh tốt nhất, giữ cho mình, cho người thân trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Trên thực tế mặc dù đã có Chỉ thị như vậy nhưng một số người vẫn tìm cách “lách luật” để ra đường đôi khi chỉ là để tập thể dục. Lý giải về điều này thì theo tôi có 2 lý do. Thứ nhất, chúng ta còn tâm lý nghe ngóng xem mọi người xung quanh có chấp hành không rồi mới làm theo. Thứ hai là tâm lý thiếu hiểu biết nên chủ quan về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, không coi quy định ra gì. Trong 2 lý do trên, theo tôi lý do thứ 2 tác động nhiều nhất. Bởi vậy, mỗi chúng ta đều cần tự vạch ra cho mình công việc nào đó cần làm ở nhà trong quãng thời gian này, đôi khi chỉ là thay đất cho chậu cây, trồng thêm một cái cây, sơn một mảng tường… Còn tập thể dục thì hoàn toàn có thể mở trên tivi, trên mạng Internet để tìm xem các bài tập phù hợp. Chúng ta phải xác định chống dịch là việc có thể lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai bởi tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Mong mỗi người có ý thức một chút để chung tay cùng cộng đồng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Như Ý (Ghi)

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng: Mỗi người ý thức hơn sẽ đẩy lùi Covid-19 nhanh hơn

Theo tôi, việc áp dụng Chỉ thị 16 giữa lúc số ca mắc mới tại Hà Nội đang tăng nhanh và chưa rõ nguồn lây là việc vô cùng cần thiết, cấp bách. Tôi đã tìm hiểu và biết rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên luôn tuân thủ nghiêm ngặt Chỉ thị mà thành phố đưa ra. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một số bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, ra khỏi nhà với nhiều lý do không cần thiết như đi tập thể dục, tụ tập tán gẫu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát dịch. Việc tập thể dục thể thao ngoài trời như hiện nay tôi nghĩ là không nên, chúng ta có thể tập ở nhà bằng nhiều phương pháp khác thay vì phải ra ngoài.

Dù sao đây cũng chỉ là một bộ phận nhỏ thiếu ý thức, còn đại đa số mọi người đều chấp hành tốt bởi Hà Nội luôn được biết đến như là một thành phố kiểu mẫu và có tính cộng đồng rất cao. Tôi hi vọng người dân Hà Nội sẽ nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 16 tốt hơn trong những ngày tới, để thành phố nhanh chóng kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh lây lan rộng. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi tập thể cùng nhau cố gắng và chung tay với Nhà nước để sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

Phạm Hương (Ghi)