Công an Hà Nội quản lý, phòng ngừa tội phạm "ngáo đá" (2): Khi công an được người dân ủng hộ

ANTD.VN - Theo ghi nhận của lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên toàn quốc đã có những biện pháp hết sức quyết liệt đối với đối tượng “ngáo đá”.

CAP Điện Biên, quận Ba Đình gần gũi cán bộ cơ sở, nắm bắt tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp

100% đối tượng “ngáo” được lập hồ sơ quản lý

Để thuận lợi cho Công an các đơn vị trong công tác nắm bắt, quản lý, phòng ngừa, đồng thời trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn và tham khảo ý kiến của Sở Y tế, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, CATP Hà Nội đã đưa ra tiêu chí xác định đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”.

Từ đó, Công an cơ sở, với sự đôn đốc, hướng dẫn sát sao của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy tiến hành phân loại theo dạng đối tượng có biểu hiện “ngáo” cụ thể; và đối tượng có nguy cơ “ngáo”. Việc phân loại đối tượng này căn cứ theo rà soát, điều tra cơ bản của cấp cơ sở, qua danh sách người nghiện được quản lý tại địa phương, hoặc qua nắm tình hình địa bàn. Đặc biệt, công tác rà soát, nắm bắt chú trọng vào số đối tượng trẻ tuổi.

Chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, từ kết quả rà soát, thống kê, phân loại của mỗi địa bàn, Giám đốc CATP xác định rõ với Trưởng Công an quận, huyện, thị trấn, chịu trách nhiệm chỉ đạo đội nghiệp vụ và Công an phường, xã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm đối tượng “ngáo đá” tại cộng đồng. Chỉ huy đơn vị nào để xảy ra các vụ việc hình sự liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” mà không có danh sách, hồ sơ quản lý, không chủ động nắm và báo cáo tình hình, sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP.

Thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn của CATP Hà Nội về “quản lý người sử dụng ma túy tổng hợp gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang tưởng, loạn thần, ảo giác”, 100% số người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” đã được Công an phường, xã lập hồ sơ quản lý và có biện pháp, tiến độ giải quyết đối với từng trường hợp. Hàng tháng, danh sách đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” được cập nhật về phòng nghiệp vụ CATP để triển khai các biện pháp phòng ngừa, quản lý và giải quyết.

Bên cạnh đó, Công an cơ sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp và gia đình của họ tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, tình trạng sử dụng ma túy và cam kết không sử dụng ma túy. Vai trò của công an và cán bộ cơ sở được phát huy hiệu quả qua việc vận động, thuyết phục người nghiện ma túy tổng hợp hoặc đi cai tự nguyện, hoặc đi tập trung chữa bệnh tại các bệnh viện tâm thần.

Một biện pháp quyết liệt khác là lực lượng công an thu thập thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng có biểu hiện sử dụng ma túy tổng hợp, “ngáo đá”; trên cơ sở đó tiến hành các hoạt động điều tra theo thủ tục tố tụng, đảm bảo tạm thời cách ly đối tượng khỏi xã hội, giữ ổn định tình hình địa bàn.

Nhận thức và hành động của cán bộ chỉ huy

Có thể khẳng định, những lộ trình, biện pháp đối với người nghiện ma túy tổng hợp, nguy cơ và thường xuyên “ngáo đá” đã được xây dựng hết sức rõ ràng cùng những yêu cầu cụ thể. Vấn đề là nhận thức và sự vào cuộc của công an cơ sở, là trách nhiệm của người đứng đầu và làm thế nào để “kéo” được sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, đoàn thể, người dân.

Đại úy Bùi Thị Hạnh - Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CAQ Đống Đa cho biết: “Nhiều tháng nay, những buổi họp chuyên môn định kỳ hàng tuần, hàng tháng, tập trung vào người nghiện ma túy có biểu hiện “ngáo đá”, đã trở thành nếp. Định kỳ hoặc đột xuất, chỉ huy quận, đội nghiệp vụ đều nắm bắt biến động của đối tượng “ngáo đá” ở phường, trao đổi đối sách, tiến độ và kết quả xử lý. Yêu cầu đặt ra là chỉ huy công an cơ sở phải đảm bảo địa bàn không để kéo dài hiện tượng đối tượng “ngáo đá” mà không có biện pháp giải quyết triệt để”.

Thiếu úy Phùng Lê Xuân Tùng, Cảnh sát khu vực phụ trách khu dân cư số 5 phường Ô Chợ Dừa cho biết: “Thông qua việc rà soát đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá”, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình lớn của người dân và cán bộ cơ sở. Chủ trương, chỉ đạo xuyên suốt của CATP đã được đội ngũ cán bộ phường, khu dân cư và chính gia đình người nghiện ma túy tổng hợp nhiệt tình tham gia thực hiện, bởi họ nhận thức rõ được nguy cơ, hệ lụy từ việc người “ngáo đá” không bị quản lý”. 

Ông Phạm Văn Viên - Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, công tác quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật của người “ngáo đá” “sẽ được Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo các đoàn thể vào cuộc quyết liệt, thường xuyên. Bởi tôi cho rằng, động thái của lực lượng công an cần kịp thời để cứu giúp, thức tỉnh những người trót sa ngã, biết dừng lại…”.

Tin cùng chuyên mục